Bản tin cập nhật Dịch Covid-19 ngày 25/8: Thế giới ghi nhận ca tái nhiễm đầu tiên với 2 chủng virus khác nhau

%Hahalolo tin tức%

Sáng 25/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, Việt Nam hiện có 1022 bệnh nhân. WHO bày tỏ thận trọng về việc sử dụng huyết tương để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Sáng 25/8, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới

Bản tin 6h sáng ngày 25/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Đây là sáng thứ 5 liên tiếp không có ca bệnh. Trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 146 ca âm tính từ 1-3 lần với SARS-CoV-2.

ảnh: vtc news

Việt Nam hiện có tổng cộng 1022 bệnh nhân với 680 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 540 ca.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị-Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này đã có 588 bệnh nhân/1022 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh.

WHO: Ít bằng chứng hiệu quả sử dụng huyết tương

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23/8 đã cho phép sử dụng phương pháp huyết tương để điều trị COVID-19. Song Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng không có nhiều bằng chứng cho thấy phương pháp này an toàn và hiệu quả.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 23/8 cho biết, họ đã cho phép sử dụng huyết tương từ những bệnh nhân đã khỏi bệnh để điều trị cho những người mắc mới COVID-19. (Ảnh: Reuters)

“Có một số thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra trên khắp thế giới về phương pháp huyết tương… nhưng chỉ một số ít trong số đó báo cáo về kết quả. Tuy nhiên, kết quả không phải là kết luận.

Các thử nghiệm tương đối nhỏ và kết quả trong một số trường hợp mang lại là tích cực nhưng vẫn chưa được đánh giá. Chúng tôi đã theo dõi và tiến hành đánh giá liên tục để xem hiệu quả đang ở mức nào. Và hiện các bằng chứng về hiệu quả vẫn còn rất ít”, tiến sĩ Soumya Swaminathan của WHO nói.

Trong khi đó tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của Tổng giám đốc WHO, cảnh báo rằng tác dụng phụ của phương pháp huyết tương có thể bao gồm từ cảm giác ớn lạnh và sốt nhẹ, cho đến các vấn đề nghiêm trọng hơn về phổi và hệ tuần hoàn.

Thế giới ghi nhận ca tái nhiễm với 2 chủng virus khác nhau

Một người đàn ông 33 tuổi ở Hong Kong vừa được ghi nhận tái nhiễm tái nhiễm SARS-CoV-2, không phải “tái dương tính”. Đây là ca tái nhiễm đầu tiên được chính thức ghi nhận trên thế giới.

Nhân viên y tế tại Hong Kong, ngày 23/8. Ảnh: AFP

Theo đó, ca bệnh từng mắc COVID-19 hồi cuối tháng 3 và xuất viện hồi giữa tháng 4. Người này mới đây đi du lịch Tây Ban Nha qua Anh, sau khi trở về Hong Kong hôm 15/8 lại cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Theo nghiên cứu của Đại học Hong Kong, người đàn ông trên mắc COVID-19 lần 2 sau 142 ngày khỏi bệnh, với 2 chủng virus corona khác nhau.

“Trường hợp này cho thấy việc tái nhiễm có thể xảy ra chỉ vài tháng sau khi bệnh nhân hồi phục. Những phát hiện của chúng tôi cho thấy SARS-CoV-2 có thể tồn tại lâu dài ở con người, giống như các virus corona liên quan đến cúm thường khác, dù bệnh nhân đã có được miễn dịch thông qua lây nhiễm tự nhiên hay vaccine”, báo cáo nghiên cứu cho biết.

Các nhà nghiên cứu gọi đây là ca tái lây nhiễm đầu tiên được ghi nhận, nhưng những chuyên gia khác cho rằng cần nhiều nghiên cứu hơn trong vấn đề này.

Trung Quốc đã tiêm vaccine Covid-19 từ tháng 7

Zheng Zhongwei, Giám đốc Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết nước này đã sử dụng một loại vaccine Covid-19 thử nghiệm trên những người làm việc trong các môi trường “nguy cơ cao” từ tháng 7/2020, trong đó có cả các chuyên gia y tế ở tuyến đầu và các nhân viên biên giới.

Trung Quốc đã tiêm vaccine Covid-19 cho các bác sỹ từ tháng 7. Ảnh: CNN

Ông Zheng cũng cho biết việc sử dụng vaccine là nhằm “thiết lập một hàng rào miễn dịch”, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát vào mùa thu và mùa đông năm nay.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc phê duyệt sử dụng vaccine Covid-19 còn trong giai đoạn thử nghiệm. Hồi tháng 6, Trung Quốc từng phê duyệt sử dụng một loại vaccine khác cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm cho quân đội. Giấy phép đặc biệt này có hiệu lực 1 năm và chỉ áp dụng cho các quân nhân.

Trung Quốc hiện đang là nước có nhiều vaccine Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng nhất trên thế giới.

Quảng Ninh: Khẩn cấp tìm người đàn ông trốn khỏi khu cách ly

UBND Thành phố Móng Cái hôm qua (24/8) có văn bản gửi Công an thành phố và các xã, phường để truy tìm công dân Bùi Tiến Hà (SN 1983, trú phường Trường Thi, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) trốn khỏi Bệnh viện số 1 Quảng Ninh.

Trước đó vào ngày 13/8, Hà nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ TP Đông Hưng (Trung Quốc) và bị Đồn biên phòng Bắc Sơn bắt giữ và bàn giao cách ly y tế tại khu cách ly Centerway Móng Cái.

Ngày 14/8, Hà có biểu hiện ho, tức ngực, khó thở, được chuyển đến Bệnh viện số 1 điều trị.

Người này được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật RT-PCR và cho kết quả âm tính. Đến 14h30 ngày 24/8, Hà bỏ trốn khỏi Bệnh viện số 1 Quảng Ninh khi mới cách ly được 10 ngày.

Hàn Quốc tái đóng cửa trường học

Bộ Giáo dục Hàn Quốc ngày 25-8 thông báo tất cả học sinh tại Seoul và khu vực lân cận sẽ chuyển sang học trực tuyến, nhằm ngăn sự gia tăng các ca nhiễm virus corona.

Seoul ngày 25-8 ra lệnh đóng cửa hầu hết các trường học và nhà trẻ tại thành phố để ngăn các ca nhiễm COVID-19 gia tăng – Ảnh: REUTERS

Theo thông báo, tất cả học sinh, bao gồm trẻ đi mẫu giáo, tại các thành phố Seoul và Incheon cũng như tại tỉnh Gyeonggi sẽ phải ở nhà, dự các lớp học trực tuyến từ ngày 26-8 đến ngày 11-9.

Trong bối cảnh các ca nhiễm mới tăng đột biến, 1.845 trường học ở Hàn Quốc đã phải tạm dừng các lớp học trực tiếp vào ngày 24-8, nhiều gấp đôi so với kỷ lục trước đó là 849 trường hôm 21-8. Một số trường đã đóng cửa như một biện pháp đón đầu.

Bệnh viện Đà Nẵng chính thức được gỡ bỏ phong tỏa

Đúng 16h ngày 25-8, Bệnh viện Đà Nẵng chính thức được gỡ bỏ cách ly y tế sau gần 30 ngày được phong tỏa để làm sạch. TS Lê Đức Nhân, giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết đã chuẩn bị 4 giai đoạn để tiếp nhận bệnh nhân trở lại bệnh viện.

Đúng 16h ngày 25-8, Bệnh viện Đà Nẵng chính thức được gỡ bỏ cách ly y tế sau gần 30 ngày được phong tỏa- Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Trước đó Bộ Y tế xác định khu vực này là khu vực “ổ dịch” do có nhiều ca lây nhiễm, nhiều trường hợp bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế cùng mắc COVID-19 nên đã tiến hành phong tỏa lúc 13h ngày 26-7.

Ghi nhận thêm 7 ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng

Trong số các bệnh nhân mới, 5 người đang sinh sống tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.

Tính đến 18h ngày 25/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam có 1.029 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Ảnh: bộ y tế

Bệnh nhân 1023-1024 được lấy mẫu xét nghiệm ngày 24/8 tại khu vực đang phong tỏa thuộc phường Hòa Tiến, quận Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Các trường hợp từ 1025 đến 1029 (độ tuổi 20-70) trú tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Đây là những người cùng gia đình và tiếp xúc gần bệnh nhân 1017.

Hiện tất cả bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang.

Nguồn: Tổng hợp

Exit mobile version