Mảnh đất cố đô luôn biết cách gây vấn vương với du khách bằng những điều rất riêng. Đó chính là lý do vì sao nhiều người dù đã đến Huế nhiều lần vẫn muốn quay trở lại. Trong chuyến hành trình đến với Huế lần này, Hahalolo giới thiệu đến bạn một địa điểm “cực hot” trong thời gian vừa qua, đó chính là Cung An Định.
1. Giới thiệu về Cung An Định
Được xây dựng vào những năm đầu của TK XX, Cung An Định ban đầu có tên là Phủ Phụng Hóa. Công trình này chính là món quà mà vua Đồng Khánh dành tặng cho Hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo (sau này là vua Khải Định). Sau khi Hoàng tử Bửu Đảo lên ngôi, Phủ Phụng Hóa được đổi tên và được xây dựng lại một cách hoành tráng hơn.
Vào năm 1922, Cung An Định được ban cho Hoàng tử Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại sau này). Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Vua Bảo Đại thoái vị nên gia đình cựu hoàng đã chuyển vào sống tại Cung An Định.
Năm 1955, Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa và tiến hành tịch thu Cung An Định. Một số gia đình công chức tại địa phương được chuyển đến đây ở. Mãi đến năm 1975, sau khi đất nước hoàn toàn được thống nhất, Cung An Định mới được bàn giao cho chính quyền cách mạng và sau này được sử dụng cho hoạt động nghiên cứu văn hóa, lịch sử cũng như phục vụ cho nhu cầu tham quan, du lịch.
2. Cung An Định – Nét chấm phá độc đáo của kiến trúc triều Nguyễn
Giữa hàng loạt những công trình kiến trúc nổi tiếng của triều đại nhà Nguyễn, Cung An Định trở nên vô cùng khác biệt bởi lối kiến trúc Đông – Tây ấn tượng. Công trình này được xem là đại diện cho nền kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn “chuyển giao” tân – cổ điển. Không chỉ vậy, Cung An Định còn là cột mốc đánh dấu thời kỳ mỹ thuật tại Huế nói riêng có sự tiếp xúc và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của mỹ thuật Phương Tây.
Cung An Định có diện tích lên đến 23.463m2 được xây dựng một cách trang nghiêm, bề thế với khuôn viên tường gạch và hàng rào song sắt bao bọc. Trước đây, trong Cung An Định có 10 công trình lớn nhỏ khác nhau như: Bến thuyền, Cổng chính, Lầu Khải Tường, Cửu Tư Đài… Tuy nhiên cho đến ngày nay, do ảnh hưởng của thời gian cũng như sự tàn phá của chiến tranh mà Cung An Định chỉ còn 3 công trình nguyên vẹn là Cổng Chính, Lầu Khải Tường và Đình Trung Lập.
Nét đẹp kiến trúc của Cung An Định được thể hiện rõ nhất thông qua các chi tiết sành sứ được đắp công phu tại Cổng chính. Đặc biệt, khi bước vào trong, bạn có thể bị choáng ngợp với độ hoành tráng của Lầu Khải Tường với nghệ thuật đắp nổi phù điêu giá trị. Đặc biệt, tại Lầu Khải Tường vẫn còn nguyên vẹn bức tượng Vua Khải Định bằng đồng với các chi tiết được điêu khắc rất tỉ mỉ. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp lộng lẫy cho khu vực chính của Cung An Định.
Các công trình lớn nhỏ tại Cung An Định dù còn nguyên vẹn hay không vẫn có được mối quan hệ gắn bó với nhau tạo nên một tổng thể kiến trúc có giá trị về mặt lịch sử cũng như văn hóa, kiến trúc. Đến với Cung An Định, bạn có thể cảm nhận một không gian tĩnh lặng, yên bình nhưng cũng rất “nên thơ” giữa lòng cố đô.
3. Đến Cung An Định cần lưu ý những gì?
Để có những bức hình lung linh tại đây, bạn có thể chọn những loại trang phục mang hơi hướng vintage hoặc đơn giản là áo dài để hợp với khung cảnh cổ kính của Cung. Lưu ý, cũng giống như khi đến các địa điểm di tích tại Huế, bạn nên lựa chọn những trang phục kín đáo nhé!
Sau khi mua vé, bạn có thể thoải mái tham quan tại Cung. Tuy nhiên Cung An Định cũng là một công trình thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế nên trong quá trình chụp ảnh, tìm hiểu không gian này thì cũng đừng quên “đi nhẹ, nói khẽ” để giữ được nét uy nghiêm vốn có nhé!
Giá vé vào Cung An Định: 20000 đồng/ lượt đối với người lớn, trẻ em miễn phí
Để hành trình thêm phần thú vị, bạn có thể ghé thăm một số địa điểm như Đại Nội Huế, Đàn Nam Giao… sau khi tham quan Cung An Định. Cũng đừng quên thưởng thức những món ngon của Huế để chuyến đi được trọn vẹn nhất nhé!
Ảnh: Thùy Nguyễn, Đỗ Ngọc Uyển Minh, Minh Ngọc, @oohlameo, @arttogistic, @thuycoi1403, Huỳnh Thanh Tú, Trần Hữu Thiên Toàn, Thu Thủy, @vgne.e, @duc.min.do1428, @_im.rot_, @duyanhhnee, Bùi Nguyễn Trung Quân |
Nếu bạn đã lỡ yêu Huế mộng mơ, “ghiền” cái nét trầm lắng, yên bình nhưng cũng không kém phần uy nghiêm, tráng lệ thì nhất định đừng bỏ qua chuyến khám phá Cung An Định mà Hahalolo giới thiệu nhé!
Xem thêm nhiều bài review và chia sẻ kinh nghiệm du lịch trên Hahalolo – Mạng xã hội du lịch của Việt Nam TẠI ĐÂY. |
Hahalolo Tổng hợp