Dù ai đi đó đi đây/ Đến ngày hội vật nhớ quay về Sình. Đến hẹn lại lên, cứ vào ngày mồng 10 tháng Giêng Âm lịch, hội vật làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) lại giong trống mở cờ đón các đô vật về tranh sức tranh tài, thu hút hàng ngàn người dân đất cố đô và du khách thập phương về tham dự.
Đầu xuân mới cũng là thời điểm các Lễ hội, hội làng khởi sắc. Ngoài các lễ nghi truyền thống, các tiết mục biểu diễn nghệ thuật, các môn thể thao dân gian truyền thống như thi kéo co, chọi gà, chọi trâu, thả diều, đá cầu, cờ người, vật… đã thu hút đông đảo người xem trên cả nước. Trong đó, đấu vật là một trong những môn thể thao rất được ưa chuộng và trở thành một tục lệ, truyền thống không thể thiếu trong các Lễ hội đầu năm.
Lại Ân còn gọi là làng Sình, nằm bên hữu ngạn sông Hương, ở hạ lưu ngã ba Sình, trước thuộc huyện Tư Vinh hay tổng Mậu Tài, nay là xã Phú Mậu huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây là địa chỉ cuối cùng về phương Nam còn lưu giữ truyền thống vật võ, một sinh hoạt văn hoá đặc trưng của người Việt. Hằng năm sau khi ăn Tết xong, làng ở hội vật vào ngày 10 tháng giêng với niềm mong ước: dân khoẻ, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc muôn người.
Những người già ở làng Sình kể lại, hội vật truyền thống của làng đã có lịch sử hơn 200 năm, và phát triển liên tục cho đến nay. Hội vật này khác hẳn với hội vật ở một làng quê khác, bởi người dân tổ chức hội vật như một hình thức giải trí đơn thuần sau những ngày tết chứ không vì mục đích tuyển chọn võ sĩ cho triều đình phong kiến lúc bấy giờ. “Lệ” làng cũng quy định, các đô vật dự đấu không nhất thiết phải là người địa phương, và bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật.
Hội vật làng Sình có 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra tại đình làng, vào sáng tinh mơ, đông đảo người dân và các phụ lão đã tề tựu đông đủ ở đình làng. Tại đây, để bắt đầu cho ngày hội vật, các cụ cao niên uy tín đại diện trong làng sẽ dâng mâm lên với các lễ vật xôi, gà, hoa quả…lên bàn thờ đình tổ (bậc khai canh ra làng Sình) để báo cáo về tình hình làm ăn kinh tế một năm qua của dân làng, cũng như cầu xin cho năm mới sẽ được làm ăn thuận lợi, mùa màng tốt tươi, và cũng là để xin phép cho làng được tổ chức lễ hội đấu vật.Sau khi dâng lễ lên, các cụ cao niên trong làng đại diện sẽ ra bắt cặp thi đấu biểu diễn vài keo vật cho bà con dân làng xem thưởng lãm. Khi mặt trời đã lên cao, đã chuyển sang giờ Thình, phần thi đấu chính thức sẽ được bắt đầu.
Điều khiển vật võ là một vị cao niên, có uy tín trong làng, khăn đen, áo dài, ngồi cầm trống ngay trước đình. Tiếng trống nhịp nhàng, thong thả là gọi vật; hối hả, liên tục là thúc giục các đô tích cực thi đấu.
Trọng tài trên sới là một người am hiểu luật, nhanh nhạy, kiên quyết. Các đô vật không đóng khố như ở Bắc mà mặc quần và quấn thêm một cán ngang lưng. Người đến thi đấu không cần báo trước, chỉ đăng ký tại chỗ theo lời mời gọi thi tài. Khi được phép, họ vào sới, làm lễ bái thần làng và các vị cao tuổi. Trọng tài kiểm tra trang phục, xong cho lệnh thi đấu. Trống đánh một tiếng quì xuống chào nhau, trống đánh hai tiếng, đứng lên ôm nhau vật. Trống đánh ba tiếng thì thả nhau ra, lựa thế khác, vật lại.
Luật vật dân tộc dựa trên nguyên tắc “túc bất ly địa” (chân không rời đất). Nêu nhấc được hai chân của đối thủ rời khỏi mặt đất là thắng cuộc. Từ “túc bất ly địa”, luật tiến đến “lấm lưng, trắng bụng”, một phần hoặc cả hai phần lưng lấm đất, bụng ngửa lên trời, là thua cuộc. Trước đây, vật võ làng Sình áp dụng luật “lấm lưng trắng bụng”.
Các đô phải đánh ngã đối thủ ở tư thế lấm lưng và phải thắng tất cả đô trong ngày để đoạt chức vô địch. Luật này làm nảy sinh sự tính toán để giành chức vô địch, gây mất đoàn kết và để lại hậu quả xấu. Từ hơn 20 năm nay luật qui định: duy trì “lấm lưng trắng bụng”, nhưng phải giữ (đè) đối thủ bất động trong ba giây, phải thắng tiếp ba người mới được vào bán kết.
Tiếp tục thắng ba người nữa vào chung kết. Sau này, tuỳ số đô lọt vào vòng hai mà qui định thể lệ, thông thường là loại trực tiếp. Với vật võ, ngoài sức khoẻ, các đô còn có kỹ thuật, có “miếng” và nhanh nhạy mới mong giành được thắng lợi. Vật có nhiều miếng đẹp mắt, quyết liệt. Những miếng thường được các đô sử dụng là xốc nách, vạch sườn, miếng bò, miếng háng (thò tay vào háng rồi lựa thế tấn công) nâng đối thủ vật ngã bổng, miếng bành (xốc nách bế ngửa) miếng táng (nâng đối thủ lên)…
Nét độc đáo trong hội vật không phải là kết quả thắng thua mà là tinh thần đồng đội và thượng võ. Các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như bẻ, vặn, khoá trái khớp, bấm huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt…
Không gian hội vật làng Sình cũng rất phong phú, du khách đến đây còn được xem các sản phẩm truyền thống của địa phương, như đồ chơi thủ công, tranh thờ, tranh dân gian làng Sình và hoa giấy Thanh Tiên.
Trải qua hàng trăm năm, sới vật làng Sình vẫn tồn tại và phát triển trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống của người dân.
Nguồn: Hahalolo tổng hợp