Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng – cho rằng Hahalolo đang đi đúng hướng trong kế hoạch vươn ra biển lớn khi khai trương trụ sở tại Mỹ.
Ngày 13/12 vừa qua, Hahalolo chính thức khai trương trụ sở tại Mỹ. Trong thời điểm cuối năm, một thương hiệu Việt Nam đặt chân đến thị trường lớn nhất thế giới nhận được sự quan tâm. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là thách thức không nhỏ đối với Hahalolo. Chuyên gia Kinh tế, TS Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng – đã có chia sẻ về vấn đề này.
Từng là người tham gia xây dựng các đề án công nghệ cho TP HCM, chuyên gia nhận định thế nào khi Hahalolo khai trương trụ sở tại Mỹ ở thời điểm này?
Việc thành phố cần phát triển những công ty công nghệ cao, thương mại điện tử đã có từ nhiều năm qua. Một doanh nghiệp hay công ty start-up khi huy động vốn ở Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn bởi các nhà đầu tư mạo hiểm chưa xuất hiện nhiều ở nước ta và họ cũng chưa có quá nhiều kinh nghiệm.
Vì vậy, thời gian gần đây các công ty công nghệ có tiềm năng thường sẽ tìm kiếm vốn từ quỹ đầu tư hay nhà đầu tư ở nước ngoài như Mỹ, Singapore,… Hahalolo – một công ty công nghệ – tìm kiếm cơ hội ở thị trường Mỹ là hướng đi đúng đắn khi cần huy động nguồn vốn lớn cũng như phát triển sản phẩm, dịch vụ của mình.
Theo ông, thách thức của một công ty công nghệ như Hahalolo khi khai trương trụ sở tại Mỹ là gì?
Mỗi công ty start-up sẽ có xu hướng phát triển khác nhau. Có thể, anh sẽ đưa sản phẩm vượt trội cho khách hàng lựa chọn, cũng có khi là xây dựng nền tảng cho nhiều người sử dụng. Hahalolo tạo ra một ứng dụng tích hợp nhiều tính năng, từ mạng xã hội cho đến thương mại điện tử, cập nhật thông tin. Việc ứng dụng Hahalolo thu hút được nhiều người dùng sẽ là yếu tố quyết định có thành công ở Mỹ hay không.
Hiện tại, việc thu hút được người dùng hay là mong muốn của các công ty start-up về công nghệ. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào các tính năng, thông tin gửi đến khách hàng. Với Hahalolo, sản phẩm có phù hợp và thu hút người dùng hay không là thách thức họ cần vượt qua để cạnh tranh với các thương hiệu lớn của thế giới.
Từng sử dụng ứng dụng mạng xã hội du lịch Hahalolo, ông có đánh giá như thế nào về ứng dụng này?
Để phục vụ cho việc nghiên cứu và công việc, tôi vẫn thường xuyên sử dụng mạng xã hội để tương tác, cập nhật thông tin. Với Hahalolo, tôi đang ở giai đoạn mới trải nghiệm nhưng nhận thấy đây là ứng dụng sở hữu giao diện thân thiện và dễ nhìn, tốc độ xử lý cũng rất tốt không thua kém các mạng xã hội của nước ngoài. Đó là cảm nhận đầu tiên.
Một ưu điểm nữa mà tôi thấy ở Hahalolo, đó là mạng xã hội này tích hợp nhiều tính năng tiện ích, đáp ứng nhiều nhu cầu của người dùng như đặt vé máy bay, khách sạn; tra cứu các địa điểm du lịch; trò chuyện và nhắn tin đa ngôn ngữ… Để có cái nhìn tổng quát nhất, tôi nghĩ mình sẽ cần thêm thời gian sử dụng và quan sát những giá trị mà Hahalolo có thể mang đến.
Ngoài yếu tố nguồn vốn, ông nhận thấy Hahalolo cần thêm điều gì để phát triển bền vững ở thị trường lớn nhất thế giới?
Với một start-up hướng đến tạo ra nền tảng mạng xã hội cho người dùng, Hahalolo sẽ chịu áp lực của thị trường quốc tế nhiều hơn so với cạnh tranh tại Việt Nam. Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng có kinh nghiệm về công nghệ khi phát triển theo mô hình này, cụ thể là Singapore, Ấn Độ, Đài Loan.
Hahalolo cần rất nhiều thứ để đứng vững trên thị trường quốc tế và trở thành mạng xã hội thu hút người tiêu dùng. Mỗi công ty startup sẽ có cách thức nhập ngành và thu hút người dùng khác nhau. Hahalolo đang đi đúng hướng khi đưa ra một nền tảng tích hợp nhiều tiện ích du lịch, đáp ứng nhu cầu của giới trẻ trên thế giới hiện nay. Điều này giúp Hahalolo củng cố khả năng gia nhập thị trường và tăng sức cạnh tranh với những mạng xã hội khác.
Song, để có thành công nhất định, Hahalolo cần lượng người dùng đủ lớn vì họ sẽ tạo ra những thông tin hay, chia sẻ về các trải nghiệm thú vị, từ đó thu hút bạn bè cùng tham gia. Chỉ khi làm được điều này, Hahalolo mới có thể trở thành một địa chỉ tin cậy của cộng đồng người trẻ đam mê du lịch cũng như những người yêu công nghệ.
Nhiều công ty khi ra nước ngoài phải cạnh tranh rất khốc liệt trong lĩnh vực của mình nhưng lại thiếu sự liên kết. Ông có nghĩ đó là rào cản khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực gấp nhiều lần để tồn tại ở quốc tế?
Trong xu thế mới của sản xuất kinh doanh và thương mại dịch vụ, không một công ty nào chỉ dựa vào nguồn vốn và công nghệ của mình để làm từ A đến Z mà phải xây dựng chuỗi. Một yếu điểm phổ biến ở nhiều công ty tại Việt Nam là tính liên kết chưa chắc chắn, do không tập trung vào xây dựng chuỗi. Trong khi, đó là sức mạnh của hệ sinh thái, đặc biệt quan trọng với những công ty trong lĩnh vực 4.0.
Tôi cho rằng Hahalolo đang có những bước đi khắc phục được điều đó khi họ liên kết với nhiều công ty du lịch lữ hành, hãng hàng không; đồng thời là thành viên của Hiệp hội du lịch Hoa Kỳ (USTOA) và Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA). Đây là nền tảng cho một công ty du lịch nói riêng và công ty startup nói chung nếu họ muốn tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh.
Cảm ơn TS Đinh Thế Hiển vì những chia sẻ.
Nguồn: cafef.vn
Xem thêm: Hahalolo khai trương trụ sở tại Mỹ là sự đột phá cho thương hiệu Việt Nam