Khám phá Lai Châu – Thiên đường chạm tới mây trời

%Hahalolo tin tức%
@Locc.nguyenn

Nếu bạn là dân mê phượt thì hẳn sẽ quan tâm tới Lai Châu – nơi vừa hoang sơ, đầy thử thách lại có hẳn một thiên đường chạm tới mây trời cực ấn tượng. Lai Châu có nhiều cao nguyên cao trên 1.500m, mây, sương phủ bốn mùa, khí hậu trong lành, mát lạnh quanh năm như: cao nguyên Sìn Hồ, Hồ Thầu, Dào San. Ngoài ra Lai Châu cũng có nhiều đỉnh núi cao, sông suối nhiều thác ghềnh, như: đỉnh Fansipan, dãy Pu Sam Cáp (cao trên 1.700 m), sông Đà, sông Nậm Na, sông Nậm Mu.

1. Nên đi du lịch Lai Châu thời gian nào?

Mang đầy đủ các đặc trưng của khí hậu vùng Tây Bắc, du khách nên chọn tới Lai Châu vào khoảng tháng 9-10 để kết hợp đi ngắm lúa Mù Cang Chải cùng với cánh đồng Mường Than ở huyện Than Uyên. Nếu là người có đam mê với những chuyến “săn mây” thì bạn nên ghé Sìn Hồ vào khoảng tháng 3 – 4.

một góc nhỏ tại lai châu. ảnh: st

Một lưu ý nhỏ là vào mùa mưa của Tây Bắc (thời gian hè) thường có bão hay áp thấp nhiệt đới, mưa liên tục có thể dẫn đến tình trạng bị sạt lở đất, nước lũ trên các sông suối cũng dâng cao rất nguy hiểm; các bạn nên tránh các tháng hè 7, 8.

2. Phương tiện di chuyển

  • Phương tiện cá nhân: Nếu sử dụng phương tiện cá nhân, từ Hà Nội các bạn có thể chọn di chuyển qua đường 32 đi Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải, Than Uyên rồi đến Lai Châu (quãng đường khoảng 420km). Cung này thích hợp cho chuyến khám phá Nghĩa Lộ hay ngắm mùa lúa chín ở Mù Cang Chải.
    Cung thứ 2 là đi tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, sau đó lên Sa Pa và qua đèo Ô Quy Hồ để sang Lai Châu. Phương án này quãng đường đi giảm khoảng 40-50km.
  • Phương tiện công cộng: Lai Châu cách Hà Nội khoảng gần 500km, rất thuận tiện để bạn bắt xe khách Hà Nội – Lai Châu tại bến xe Mỹ Đình, cũng có một số hãng có xe xuất phát từ bến xe Giáp Bát. các bạn có thể tham khảo: Xe đi Than Uyên (Giờ xuất bến : 6h30; 10h00; 12h30;13h15; 14h30), xe đi Mường Tè (Giờ xuất bến : 5h30; 6h15; 7h00), xe đi Sìn Hồ (Giờ xuất bến : 6h00; 13h30), xe đi Mường So Giờ xuất bến : 12h)…
  • Di chuyển ở Lai Châu: Xe máy và taxi là 2 phương tiện phổ biến để đi lại tại Lai Châu. Giá cước taxi không quá cao phù hợp cho các team đi đông người, các hãng taxi phổ biến ở đây là Bằng An, Nguyệt Nga, Anh Huân hay Thảo Linh. Nếu chọn cách thuê xe máy thì thủ tục sẽ phức tạp hơn một chút so với nơi khác (đặt cọc số tiền lớn, khách du lịch nước ngoài thì đặt lại hộ chiếu). Theo kinh nghiệm du lịch Lai Châu, các bạn cũng có thể đi xe khách lên Sa Pa rồi thuê xe máy ở Sa Pa, vượt qua đèo Ô Quy Hồ để sang Lai Châu. Tuy nhiên, nhớ note lại điều này với bên cho thuê xe để được chọn những con xe tốt nhất thích hợp chạy đường dài.

3. Kinh nghiệm lưu trú khi du lịch Lai Châu

Chưa phát triển du lịch nên chưa có nhiều nhà nghỉ, khách sạn ở Lai Châu cho du khách lựa chọn, nhưng vì vậy giá lại khá mềm. Bạn có thể tìm khách sạn hay nhà nghỉ trên các tuyến đường thành phố như Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Lê Duẩn và 30/4. Một số khách sạn, nhà nghỉ du khách có thể tham khảo:
– Khách sạn Phương Thanh: Giá từ 100k – 300k.
– Khách sạn Tây Bắc: Giá chỉ khoảng 150K – 350K. 
– Khách sạn Mường Thanh: Giá tầm 900K – 5tr tùy loại phòng.
Homestay cũng sẵn có cho những du khách muốn khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân địa phương. Điểm du lịch cộng đồng Bản Hon, Tam Đường Sìn Suối Hồ, Phong Thổ và ở Thị trấn Sìn Hồ đang là những điểm đến được nhiều du khách lựa chọn.

4. Các điểm đến của du lịch Lai Châu

4.1 Đèo Ô Quy Hồ

Một trong tứ đại đỉnh đèo của miền núi phía Bắc, du khách tới Lai Châu nhất định không thể bỏ qua. Nối liền 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai, đèo Ô Quy Hồ không chỉ là con đèo dài nhất Việt Nam mà còn sở hữu cảnh đẹp mê hồn, nơi 4.2 đây là đích đến của giới phượt thủ tìm đến mỗi năm.

@Locc.nguyenn

4.2 Cánh đồng Mường Than

Người dân Tây Bắc có câu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” để ca ngợi bộ tứ ruộng bậc thanh view lung linh nhất khu vực. Cánh đồng Mường Than (huyện Than Uyên) là một trong số đó. Dù du khách tới vào thời điểm nào trong năm, Mường Than cũng có vẻ đẹp riêng của nó, mùa nước đổ tranh xanh như chiếc gương trời, mùa lúa chín vàng óng rất thu hút.

Ảnh: vanhoavietnam

4.3 Cao nguyên Sìn Hồ

Cao nguyên Sìn Hồ được ví như “Sapa thứ 2” của Việt Nam. Tới Sìn Hồ, du khách choáng ngợp trước vẻ đẹp mây trời bềnh bồng ở những bản làng, thung lũng, núi đá Ô hay động Tiên hùng vĩ. 

@Hana.nguyen

4.4 Cầu kính rồng mây

Cầu kính rồng mây Lai Châu nằm trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ, thuộc xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, cách Sa Pa 17 km, cách thành phố Lai Châu 46km. Cầu kính rồng mây Lai Châu được mệnh danh là “Đường lên Thiên đỉnh” có hệ thống thang máy lồng kính là công trình đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Ảnh: st

4.5 Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử

Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử cũng là một địa điểm được các trekker mê mẩn. Tuy không cao bằng Putaleng nhưng đường lên đỉnh Bạch Mộc cũng hiểm trở không kém. 30km trải dài qua nhiều địa hình khác nhau, lên tới đỉnh là một view xịn ngắm nhìn biển mây cuồn cuộn đền đáp.

@huynhhoanglong

4.6 Bản Sì Thâu Chải

Cách trung tâm huyện Tam Đường chừng 6km, Sì Thâu Chải tập trung phần lớn cộng đồng người Dao sinh sống. Kinh nghiệm du lịch Lai Châu khuyên bạn tới đây không chỉ để chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên đẹp rụng rời, không khí trong lành mà cũng để tìm hiểu những phong tục tập quán văn hóa của người dân nơi đây.

ảnh: st

4.7 Thác Tác Tình

Con thác độc nhất vô nhị ở Lai Châu vừa trữ tình lại hư ảo. Đằng sau cái tên Tác Tình là cả một câu chuyện tình buồn nhưng son sắt của cặp đôi người dân tộc Dao, lên đây tận hưởng không khí mát lành đừng bỏ qua cơ hội nghe kể câu chuyện tình lãng mạn.

4.8 Mường Tè

Là một trong những huyện xa xôi và nghèo nhất Lai Châu nhưng lại sở hữu cảnh sắc vượt trội, bạn sẽ chẳng ngờ rằng tác phẩm Sông Đà lừng danh cũng từ đây mà ra. Nếu ham thích khám phá, cũng đừng bỏ qua cung đường xuyên rừng tới Ka Lăng – Thu Lũm vượt qua nhiều đá hộc, đường đất và bụi trắng xóa để thỏa chí tung hoành.

4.9 Tam Đường

Một địa danh không thể bỏ qua khi đến Lai Châu. Tam Đường là đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã: Sùng Phài, Nùng Nàng, Bản Giang, Bản Hon, Thèn Xin, Tả Lèng, Hồ Thầu, Giang Ma, Bình Lư, Sơn Bình, Nà Tăm, Bản Bo, Khun Há và thị trấn Tam Đường. Nơi đây có rất nhiều thắng cảnh hấp dẫn du khách.

@khanhvannguyen25

4.10 Động Tiên Sơn

Tọa lạc tại huyện Tam Đường, động Tiên Sơn khiến nhiều khách du lịch phải trầm trồ trước vẻ đẹp cõi tiên lung linh. Bước vào bên trong, cả một thế giới thạch nhũ đa dạng hình thù khác nhau, sâu nữa là dòng suối róc rách chảy qua tạo cảm giác thoáng đãng, thư thái bất ngờ.

ảnh: st

4.11  Thành phố Lai Châu – Bản San Thàng

Đây là địa bàn cư trú của khoảng 70 hộ gia đình người Giáy với những nét văn hóa đậm đà bản sắc. Lối kiến trúc cảnh quan lạ, hấp dẫn với hàng rào đá bao quanh, bản San Thàng 1 là một điểm đến không thể bỏ qua mỗi khi du khách đến với thành phố Lai Châu. Đến với San Thàng vào thứ 5 và chủ nhật, du khách sẽ được tham gia vào phiên chợ đặc trưng của vùng cao – Chợ phiên San Thàng. Không chỉ là nơi trao đổi mua bán các nông sản vật của bà con nhân dân mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gắn kết tình cảm của đồng bào các dân tộc trên địa bàn thành phố Lai Châu.

4.12 Một số địa điểm khác:

Cọn nước Nà Khương và Đồi chè Bản Bo, Bản Nà, Luồng, Bản Hon, Nùng Nàng, Tả Liên Sơn, Pu Ta Leng, Tân Uyên, Suối nước nóng Phiêng Phát, Đèo Khau Cọ, Cao nguyên Dào San, Suối nước nóng Vàng Pó, Cửa khẩu Ma Lù Thàng, Chợ Sừng Sì Lờ Lầu, Thác Trái Tim, Bản Vàng Pheo,  Núi Đá Ô và Động Ông Tiên, Nậm Nhùn, Bia Lê Lợi và đền thờ vua Lê, Di tích vua Thái – Đèo Văn Long,Bản Pú Đao, Nhà máy Thủy điện Lai Châu, Thu Lũm,Đỉnh núi Pu Si Lung, Mốc 17 – Thượng nguồn Sông Đà, Đá thiêng Hà Nhì,…..

5. Lễ hội truyền thống nổi tiếng ở Lai Châu

Lai Châu là một tỉnh biên giới có nhiều dân tộc khác nhau nên hàng năm ở Lai Châu diễn ra rất nhiều lễ hội như:
– Lễ hội Gầu Tào của người Mông: mùng 2 – mùng 4 tháng giêng âm lịch
– Lễ hội đền Lê Lợi: 12/1 âm lịch
– Lễ hội văn hóa động Tiên Sơn: 14- 15 tháng giêng âm lịch
-Tết Ngô “Ủy La Lóng” của người Cống: bắt đầu từ 1/6 âm lịch và kéo dài trong khoảng 3-4 ngày
– Lễ hội Then Kin Pang của người Thái Trắng: diễn ra vào 10/3 âm lịch

Hoa ban nở khắp Tây Bắc là người dân lại kéo về hòa trong hội Hoa Ban. ảnh: st

Ngoài ra còn có các lễ hội độc đáo ở Lai Châu khác như lễ Cúng Bản của người Cống, lễ hội Nàng Han, hội Hoa Ban của dân tộc Thái, lễ hội Lập Tịch của dân tộc Dao,lễ hội Cơm mới của dân tộc La Hủ, lễ hội Bun Vốc Nặm của dân tộc Lự, lễ hội Bắt Cá của người Kháng, lễ hội Xên Mường, Căm Mường của người Lào…

6. Các món đặc sản Lai Châu

Lợn cắp nách: Lợn “cắp nách” (một số nơi gọi là lợn lửng) là loại lợn đặc sản chỉ có ở vùng cao. Thịt heo rừng đem nướng có thịt khá ngọt, thơm và hoàn toàn tự nhiên rất sạch.
Thịt lợn trộn lá chua: Một món ngon của đồng bào Thái Trắng ở Lai Châu. Lá chua ở rừng sẵn có quanh năm, mang về giã nhỏ, thêm ớt, hạt Dổi. Trộn đều với thịt lợn, ăn tuyệt ngon mà không bị ngán. 

ảnh: st

Món cá nướng người Thái (Pa Pỉnh Tộp): Cá suối làm sạch, ướp với các loại gia vị đặc biệt như mắc khén, rau thơm rừng, hạt sen, lá húng, củ sả… rồi đem nướng trên than tro củi tới khi chín. Gỡ miếng cá ra vàng rộm, thơm lừng ăn cùng cơm nếp xôi dẻo ta mới thấy hết cái vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt lại đủ các màu sắc xanh đỏ, rất bắt mắt. 

ảnh: st

–  Cá bống vùi gio: Cá bống sau khi được sơ chế sạch sẽ và tẩm ướp với các gia vị được khéo léo gói gọn trong lá dong và vùi vào trong tro nóng, lật qua liên tục. Khi ăn ta cảm nhận được mùi thơm đặc biệt của các gia vị núi rừng được pha trộn 1 cách hoàn hảo, vị ngậy mà không béo cuả cá, và mùi thơm nhè nhẹ của lá dong nướng mang làm món nhậu thì thật là tuyệt hảo.

Xôi tím: Những hạt nếp nương thơm ngon đem nhuộm bằng loại cây có tên là Khẩu cắm (chỉ có ở miền núi) trước khi đem đồ. Xôi chín có màu tím tươi, bóng, hạt xôi dẻo mà không dính, có mùi thơm ngào ngạt. Vị vừa thơm ngon, ngậy mà không ngán lại có tác dụng chữa bệnh đường ruột và bồi bổ sức khỏe rất tốt.

ảnh: st

Măng nộm hoa ban: Hoa ban kết hợp cùng măng đắng tạo nên một món ăn có chứa đủ vị: đắng, chua, cay, mặn, ngọt, bùi. Măng nứa hoặc măng đắng, cánh hoa ban tươi, thịt cá suối nướng trộn cùng hỗn hợp nước chanh, tỏi, ớt, rau húng và rau mùi đã thái nhỏ. Tất cả hòa quyện tạo nên một hương vị đặc trưng của núi rừng, đưa vào miệng vừa đậm đà, thơm nồng, vừa béo vừa ngậy.

Nộm rau dớn: Cây rau dớn giống cây dương xỉ, hái lấy ngọn cong non, đem phơi nắng. Tiếp đó mang đồ lên để giữ vị bùi bùi, ngọt ngọt, bỏ vào bát cùng rau thơm, ớt, gừng, tỏi, nước chanh tươi, mì chính và muối trắng trộn đều. Món nộm rau dớn khi ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của các loại rau, vị bùi của rau dớn, vị chua ngọt xen lẫn một chút vị cay của ớt.

Bánh đen Sìn Hồ: Bánh đen được làm từ gạo nếp và cây màng tang, nhân bánh sử dụng thịt ba chỉ được trộn với thảo quả và mắc khén, tất cả được gói bằng lá mây.

7. Đi Lai Châu mua gì làm quà?

Rượu ngô Sùng Phài: Rượu Mông kê (Rượu Sùng Phài) một đặc sản độc đáo, đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc người Mông có chất lượng hảo hạng bởi nguồn nguyên liệu tự nhiên chỉ có ở Lai Châu thêm công thức trưng nấu riêng cực phù hợp để uống trong các bữa tiệc.

Hạt dổi: Hạt dổi rừng là một trong những loại gia vị đặc biệt thơm ngon và quý hiếm của người dân vùng cao. 

Quả óc chó Sìn Hồ: Óc chó Sìn Hồ quả tuy không đều tăm tắp như của Trung Quốc nhưng khá bùi và ngậy lại giàu dinh dưỡng rất tốt cho trí não.

ảnh: st

Mật ong Mường Tè: Là sản vật đặc trưng, hiếm có ở Lai Châu có mùi thơm tự nhiên đặc biệt so với các vùng khác. Mật được khai thác trong những khu rừng thuộc khu bảo tồn Thiên nhiên Mường Tè từ tháng 3-10 hàng năm.

Trên đây là tất tần tật kinh nghiệm du lịch Lai Châu đầy đủ, chi tiết cho những người mới tới lần đầu. Hy vọng các thông tin hữu ích trên sẽ giúp các bạn có chuyến khám phá đầy thú vị.

Xem thêm nhiều bài review và chia sẻ kinh nghiệm du lịch
trên Hahalolo – Mạng xã hội du lịch của Việt Nam TẠI ĐÂY.

Hahalolo tổng hợp

Exit mobile version