Lễ hội Katê của người Chăm (tỉnh Ninh Thuận) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đợt XIX theo Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL, ngày 20/6/2017.
Đôi nét về cộng đồng dân tộc Chăm tại Ninh Thuận
Theo tình hình về bảng thống kê số liệu mật độ sinh sống của người Chăm từ phía Bắc miền Trung cho đến phía Nam vùng Nam Bộ. Ninh Thuận là tỉnh có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống nhiều nhất cả nước với khoảng 73.000 người (năm 2017). Họ sinh sống tập trung tại 22 làng (palei) tại các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Bắc và Bác Ái của tỉnh Ninh Thuận.
Trải qua bao thăng trầm và biến cố của lịch sử dân tộc, cộng đồng người Chăm Ninh Thuận vẫn giữ cho mình nhiều nét đặc sắc trong văn hóa, phong tục và tập quán. Đặc biệt là sự hiện diện của hai ngành nghề truyền thống độc đáo của làng gốm Bàu Trúc và làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Bên cạnh đó là những lễ hội gắn liền với dân tộc đã được giữ gìn và phát huy qua hàng trăm năm lịch sử như: lễ hội Katê của cộng đồng Chăm Adeir, lễ hội Ramawan của cộng đồng Chăm Awal, lễ hội Rija Nagar…
Cũng như sự ảnh hưởng của người Kinh trong sự tiếp thu, ảnh hưởng về tín ngưỡng tôn giáo. Người Chăm tại Ninh Thuận có ba cộng đồng tôn giáo chính là Chăm Ahier (người Chăm theo tôn giáo Bà La Môn), Chăm Awal (người Chăm theo tôn giáo Bà Ni) tôn giáo và Chăm Islam (Hồi giáo chính thống). Tuy nhiên, Chăm theo Bà La Môn và Chăm theo tôn giáo Bà Ni chiếm số lượng hơn người Chăm theo Hồi giáo chính thống.
Theo thống kê cụ thể thì trong 22 làng Chăm tại Ninh Thuận thì đã có 15 làng Chăm Bà La Môn và 7 làng Chăm Bà Ni. Đặc biệt, là mỗi làng Chăm trong một tôn giáo đều thể hiện nét đặc trưng riêng biệt của mình, không trùng lẫn. Sự thể hiện rõ nhất ở đây chính là Katê – lễ hội dành riêng cho người Chăm Bà La Môn, còn Ramawan là lễ hội dành riêng cho người Chăm BàNi. Tuy nhiên, không vì thế mà hai cộng đồng tách biệt nhau mà ngược lại họ vẫn quan hệ qua lại thông qua sự giao lưu trong các dịp lễ hội, lễ tục.
Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội Kate
Kate lễ hội lớn nhất và đông nhất của dân tộc Chăm, thuộc tỉnh Ninh Thuận. Lễ hội Katê (còn gọi là lễ tưởng niệm đấng cha) diễn ra tại tháp Pôklông Garai (Ninh Thuận), hoặc các tháp Chàm khác vào ngày 1-7 âm lịch (khoảng từ 25-9 đến 5-10 Dương lịch) hằng năm. Lễ hội tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc, tổ tiên, ông bà cùng các vị thần linh và vua Pôklông Garai, vua Prôme. Trong những ngày lễ, người dân các vùng lân cận tụ tập lại gần tháp làm lễ. Các thầy cúng làm lễ cúng tế ở ngoài sân rồi chuyển vào trong đền. Thầy cúng và các bà bóng tắm rửa và thay áo cho vua Pô-klong.
Bên cạnh đó còn có những màn diễn văn nghệ truyền thống của những cô gái và các chàng trai dân tộc Chăm.Trong âm thanh dìu dặt của kèn Samanai, trong nhịp giật thôi thúc của trống Ginăng, đưa những người dự lễ lên đỉnh cao của sự thăng hoa. Họ như hoà vào điệu múa của các thiếu nữ Chăm bay khắp cõi trời mơ. Lễ hội Katê chính là giây phút thiêng liêng của người trần thế. Họ đánh thức các tháp Chăm cổ kính bừng dậy, sáng loà, toả ra trăm sắc, ngàn hương, góp phần làm phong phú cho vườn hoa văn hoá đa sắc của dân tộc Việt Nam.
Trình tự tổ chức lễ hội
Lễ hội Katê diễn ra theo tình tự các bước đã có truyền thống từ xa xưa, bao gồm lễ rước y trang, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc y phục cho tượng thần và sau cùng là đại lễ. Lễ hội tại đền tháp do Ban tế lễ là các chức sắc đạo Bàlamôn gồm: Thầy cả sư (Pô Dhia) làm chủ lễ, thầy kéo đàn Kanhi – hay còn gọi là thầy cò ke (Ôn Kadhar), bà bóng (Muk Payâu) dâng lễ và ông từ (Camưnay). Lễ vật dâng cúng gồm: 1 con dê, 3 con gà làm lễ tẩy uế đất tháp, 5 mâm cơm cúng có thịt dê, 1 mâm cơn với muối vừng, 3 ổ bánh gạo và hoa quả.
Lễ rước y trang của nữ thần Pô Nâgar (thần Mẹ xứ sở) diễn ra một ngày trước ngày hội chính. Y phục của Nữ thần Pô Nâgar do người Raglai (một bộ tộc miền thượng) cất giữ. Lý do vì sao mà y trang của Nữ thần Mẹ xứ sở của người Chăm lại do người Raglai giữ hộ thì hiện còn nằm trong các màn sương dày của các truyền thuyết! Đến ngày hội lễ Katê thì người Chăm làm lễ đón y trang do người Raglai chuyển lại và để y trang của Nữ thần Mẹ xứ sở vào một ngôi đền gần tháp. Trước khi rước y trang lên tháp, đoàn người Raglai tập trung đông đủ, ông từ giữ đền dâng cúng lễ vật, gồm: Trứng, rượu, trầu cau và xin phép thần được rước y trang về tháp để làm lễ.
Tiếp theo là lễ mở cửa tháp do một vị cả sư và ông từ trong coi tháp điều hành. Lễ vật gồm có rượu, trứng, trầu cau, nước tắm thần có pha trầm hương,…. Trong không khí trang nghiêm, vị cả sư đọc mấy câu thơ (trong kinh hành lễ): “Chúng con lấy nước từ sông lớn/ Chúng con đội về tháp tắm thần/ Thần là thần của trời đất/ Chúng con lấy những tấm khăn đẹp nhất/ Lau mồ hôi trên mình, tay chân của thần,…”.
Sau đó ông từ cầm lọ nước tắm thần tạt lên tượng phù điêu thần Siva trên vòm cửa chính cuả tháp. Tiếp đó, thầy kéo đàn Kanhi (tương tự đàn nhị của người Việt) và bà bóng tiến đến trước cửa tháp chính, ngồi bên tượng bò thần Nađin để hát lễ xin mở cửa tháp: “Hãy xông hương trầm bằng lửa thiêng/ Hương trầm của người trần dâng lễ/ Hương trầm bay toả ngát không gian/ Chúng con xin mở cửa tháp cúng thần”.
Bà bóng và ông từ bắt đầu mở cửa tháp trong khói hương trầm nghi ngút và sự chăm chú của mọi người.
Tiếp theo là lễ tắm tượng thần, lễ này được diễn ra bên trong tháp. Lễ tắm tượng thần là một thủ tục linh thiêng, do ông cả sư, thầy cò ke, bà bóng, ông từ và một số tín đồ nhiệt thành thực hiện. Sau khi đọc các đoạn trong kinh hành lễ, ông từ cầm lọ nước tắm vẫy lên pho tượng đá, mọi người có mặt cùng tắm cho thần. Trong khi tắm, những tín đồ nhiệt thành lấy nước trên thân tượng thần bôi lên đầu, lên thân thể mình để cầu tài lộc, sức khoẻ, may mắn,…
Sau khi tắm cho tượng thần xong là bắt đầu lễ mặc y phục. Thầy cò ke hát một bài thánh ca, hát đến đâu thì ông từ, bà bóng mặc y phục đến đó. Đầu tiên là mặc váy, rồi đến áo cho tượng thần.
Đại lễ được tiếp theo khi tượng thần đã mặc trên mình bộ xiêm bào lộng lẫy, các lẽ vật dâng cúng được bày ra trước bệ thờ. Chủ trì buổi lễ là vị cả sư, bà bóng bày lễ vật, thầy kéo đàn Kanhi mời các vị thần cùng về dự lễ. Lần lượt thầy cò ke hát mời 30 vị thần, mỗi vị thần thầy hát một bài thánh ca để mời. Thầy cả sư làm phép đọc kinh cầu nguyện xin thần về hưởng lễ và phù hộ độ trì cho muôn dân. Kết thúc đại lễ là màn vũ điệu múa thiêng của bà bóng.
Trong lúc bà bóng đang xuất thần điệu múa thiêng bên trong tháp để kết thúc đại lễ thì bên ngoài bắt đầu mở hội. Những điệu trống Ginăng, kèn Saranai cùng loạt vang lên, cầm nhịp cho các cô gái Chăm trong vũ điệu cuồng nhiệt, say sưa, hấp dẫn, thôi thúc mọi người. Không khí vui nhộn liên tục cho đến khi mặt trời khuất sau các dãy núi,…
Các lễ hội Katê ở các làng Chăm diễn ra một hoặc có khi là vài ngày sau khi kết thúc lễ hội ở các tháp. Ở đây, mấy hôm trước ngày hành lễ Katê làng, dân làng đã quét dọn đền miếu (mỗi làng Chăm thường thờ riêng một vị thần), chuẩn bị sân khấu, bãi chơi để thi dệt thổ cẩm Chăm, thi đội nước, kéo co,…Những năm gần đây còn tổ chức cho thanh niên chơi bóng đá, bóng chuyền, mọi nhà đều sắp xếp, trang hoàng nhà cửa, mua sắm đồ ăn, thức uống…Nếu như lễ hội Katê ở tháp nặng về phần lễ thì Katê làng lại nghiêng về phần hội.
Trong ngày hội Katê làng, sau khi chuẩn bị xong lễ vật, buổi sáng, mọi người làm lễ cúng Katê ở Nhà Làng để cầu mong thần phù hộ cho dân làng bình an, khoẻ mạnh và làm ăn phát đạt. Chủ lễ không phải là chức sắc tôn giáo mà chủ làng (Pô Paley) hoặc già làng có uy tín và tinh thông phong tục tập quán. Khi kết thúc buổi lễ là lúc bắt đầu các trò chơi. Tại làng Mỹ Nghiệp, nơi tập trung hơn 500 thợ dệt thổ cẩm Chăm lành nghề (thị trấn Phước Dân huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) trong lễ hội Katê hàng năm, ngoài các trò chơi như, múa quạt, kéo co,…đã diễn ra hội thi dệt thổ cẩm rất sôi nổi.
Khi lễ Katê làng kết thúc thì lễ Katê gia đình mới được bắt đầu. Mỗi gia đình, tuỳ theo điều kiện của mình mà mua sắm các thứ cho ăn mặc như Tết nguyên đán của người Kinh vậy. Khi cúng lễ ở mỗi nhà, mọi người trong gia đình phải có mặt đầy đủ để cầu mong tổ tiên thần linh phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, tránh được rủi ro, gặp nhiều may mắn,… Đây cũng là dịp ông bà, cha mẹ giáo dục con cháu nhớ ơn công lao sinh thành, giáo dưỡng của ông bà, tổ tiên,… Mọi người sau khi cúng lễ xong thì hưởng lễ hay đi thăm viếng người thân, bạn bè, chúc tụng nhau. Trong lúc đến viếng thăm nhau, ngoài những lời chúc tụng về sức khoẻ, hạnh phúc và công việc, người Chăm hay mời nhau uống rượu, ăn các loại bánh, trái cây,…
Ngày nay, Katê đã trở thành một lễ hội mang đầy đủ tính chất “lễ” và “hội”, Katê không chỉ là một nghi lễ hay lễ hội mà nó đã thực sự trở thành ngày Tết đối với đồng bào Chăm nói chung và người Chăm nói riêng
Nguồn: Hahalolo tổng hợp