Ngày 19/9 tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức Kỷ niệm 10 năm mở cổng Làng (19/9/2010-19/9/2020) và Khai trương cụm dịch vụ phục vụ khách du lịch. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã đến dự.
Hoạt động nhằm mục đích đánh giá chặng đường phát triển của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sau 10 năm đi vào hoạt động (19/9/2010-19/9/2020); khẳng định vai trò của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc tại Ngôi nhà chung – 54 dân tộc anh em.
Sự kiện này do Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc tổ chức. Các hoạt động chính trong Lễ kỷ niệm 10 năm mở cổng Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam có: Khai trương Khu dịch vụ đón khách tại cổng A; tham quan Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam bằng xe điện và giao lưu với đồng bào các dân tộc phía Bắc tại không gian làng dân tộc Thái với các hoạt động trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức dân ca dân vũ đặc sắc của đồng bào các dân tộc phía Bắc.
Với chủ trương “để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình“, từ cuối năm 2015, hoạt động tại Làng đã có sự chuyển biến sâu sắc. Đó là việc tổ chức đưa đồng bào DTTS về sinh sống. Tính đến nay, đã có hàng nghìn lượt đồng bào các dân tộc về tổ chức nhiều hoạt động tại Làng. Trong đó, 16 cộng đồng các dân tộc đang sinh sống, tham gia hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam gồm Tày, Dao, Mông, Nùng, Thái, Mường, Ê Đê, Khmer… đến từ các tỉnh, thành phố Thái Nguyên, Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng…
Những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ban Quản lý đã khắc phục những khó khăn, cùng đồng bào các dân tộc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả. Có thể nói, Làng là địa chỉ tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô Hà Nội; là địa điểm lý tưởng để các đơn vị, cá nhân tổ chức các hoạt động dã ngoại, ngoại khóa, vừa vui chơi giải trí, vừa tìm hiểu văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, du khách còn có cơ hội được tiếp cận gần hơn với đồng bào DTTS, tham gia trải nghiệm văn hóa do chính đồng bào hướng dẫn.
Cũng chính sự đa dạng, phong phú trong việc tổ chức các hoạt động, hoàn thiện cơ sở cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ nên lượng khách đến đây tăng lên đáng kể hàng năm. Trung bình mỗi năm, Làng đón trên 500.000 lượt khách tham quan. Dự kiến đến năm 2030, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ đón khoảng 5 đến 7 triệu lượt khách tham quan.
Nổi bật hàng năm với 3 sự kiện thường niên được tổ chức như “Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”; “Chào mừng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4”; và Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” từ 18 – 23/11 hàng năm. Đây là các sự kiện có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, góp phần hiện thực hóa chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và chính sách Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhìn lại chặng đường 10 năm từ ngày “Mở cổng Làng” (19/9/2010) đến nay, những hoạt động của Làng luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, Ngành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từng bước trở thành “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc, quyết tâm xây dựng và phát triển Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đúng như mục tiêu đề ra, đồng thời sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
Hahalolo Tổng hợp