TP – Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao – Du lịch (VHTTDL) khẳng định ngành du lịch phải thực hiện nhiệm vụ kép thời COVID-19. Còn Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh trao đổi với PV Tiền Phong về tinh thần ứng phó dịch bệnh giai đoạn mới.
Tổng cục Du lịch mới công bố những con số đáng buồn như tổng thu giảm gần 48% trong 6 tháng đầu năm, 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đóng cửa ở quý I. Cụ thể thực trạng của ngành ra sao thưa ông?
Sáu tháng đầu năm do dịch bệnh phức tạp, ngành du lịch đã thay đổi toàn bộ kế hoạch công tác. Hai tháng đầu năm, lượng khách quốc tế và trong nước khá tốt. Nhưng dịch bùng nổ, du lịch ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Từ 29/4, sau khi Thủ tướng cho phép khôi phục du lịch nội địa, Tổng cục lập tức tham mưu Bộ VHTTDL phát động chương trình Người Việt Nam du lịch Việt Nam.
Hai tháng triển khai, ngành nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương và doanh nghiệp; du khách nội địa gần như hoàn toàn hồi phục. Lượng khách đến các điểm tham quan giải trí tăng nhanh chóng. Nhu cầu du lịch qua đường hàng không tăng cao, phát sinh nhiều đường bay mới. Công suất sử dụng trên các chuyến bay đều đạt 80-90%. Công suất sử dụng phòng tại một số cơ sở lưu trú ở các điểm du lịch lớn tăng ngoạn mục. Cụ thể một số điểm nghỉ biển công suất phòng đạt 50-60% với những ngày trong tuần, 80-90% ngày cuối tuần. Lần đầu tiên tổ chức được đường sắt thuê chuyến, tổ chức đi Sa Pa, Quảng Bình… hiệu quả cao. Tín hiệu tốt của khách nội đã góp phần hồi phục ngành du lịch và một số ngành liên quan, cho tới khi dịch bệnh bùng phát trở lại.
Dịch bệnh bùng phát bất ngờ, Tổng cục thay đổi chiến lược hành động ra sao thời gian tới?
Dịch bệnh bùng phát trở lại ở một số địa phương khiến những người làm du lịch sững sờ, đau buồn. Tổng cục thường xuyên giữ liên lạc với các sở du lịch địa phương bùng phát dịch để kịp thời nắm bắt thông tin, định hướng xử lý tình huống liên quan du khách. Từ nay đến cuối năm, ngành tiếp tục nắm bắt tình hình, tuân thủ các chỉ đạo, chỉ thị của Thủ tướng, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch để hướng dẫn các cơ sở du lịch cả nước thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Xuất phát từ thực tế, Tổng cục tham mưu Bộ VHTTDL chỉ đạo các địa phương đảm bảo an ninh an toàn về phòng chống dịch, phòng chống cháy nổ cũng như đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách du lịch. Chúng tôi tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng về nhiệm vụ kép- chống dịch và tiếp tục triển khai kích cầu du lịch nội địa ở các địa phương không bị ảnh hưởng của dịch, cũng như chuẩn bị điều kiện cần thiết tham mưu cho Chính phủ mở lại thị trường quốc tế khi hội tụ đủ các yếu tố an toàn.
Bên cạnh đó, Tổng cục tham mưu trình Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc về du lịch do Thủ tướng chủ trì. Hội nghị quan trọng này bàn thảo nhiều vấn đề như: cơ cấu lại thị trường khách du lịch bao gồm cả thị trường du lịch quốc tế lẫn nội địa; tăng cường hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp và các vùng phát triển du lịch; tăng cường xây dựng sản phẩm dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách phù hợp với trạng thái bình thường mới của ngành; chuyển đổi số và quảng bá xúc tiến thông qua mạng xã hội sử dụng công nghệ 4.0 và thực hiện chương trình hành động quốc gia, xúc tiến quốc gia.
Mấy ngày qua, khách không chỉ hủy tua Đà Nẵng mà còn lo ngại khi lựa chọn các điểm đến khác. Tổng cục có khuyến cáo ra sao? Từ kinh nghiệm chống dịch giai đoạn đầu, tinh thần ứng phó với dịch bệnh ở giai đoạn hiện nay thế nào?
Chúng tôi cần có thời gian để trao đổi kỹ với các bên liên quan, hướng dẫn và đề xuất giải pháp đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho du khách. Chúng tôi vẫn giữ nguyên tinh thần đảm bảo an toàn cho du khách, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. Tùy giai đoạn, tùy tình hình dịch bệnh diễn biến sẽ có các giải pháp cụ thể trong khi không lơ là phát triển du lịch nội địa, đó là ưu tiên hàng đầu năm nay.
Trong bối cảnh COVID-19 quay trở lại, bài toán phát triển du lịch nội địa có phải quá khó cho ngành?
Đây là nhiệm vụ tương đối khó khăn vì dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp. Tùy theo tình huống và phương án thực tế, chúng tôi sẽ tham mưu cho Bộ VHTTDL, Chính phủ để kịp thời có quyết sách xử lý
phù hợp.
Cảm ơn ông!
DU LỊCH AN TOÀN Ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, các văn bản hướng dẫn, khuyến cáo về hoạt động du lịch trong thời dịch bệnh ban hành giai đoạn trước đây còn hiệu lực, nên địa phương và các doanh nghiệp bám sát thực hiện. Tổng cục vừa hướng dẫn Sở Du lịch Đà Nẵng có văn bản khẩn cấp chống dịch. Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng ký văn bản số 1043 ngày 27/7 triển khai loạt giải pháp phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh các giải pháp cấp bách, Sở yêu cầu các đơn vị kinh doanh lữ hành rà soát, thống kê khách du lịch do đơn vị phục vụ còn lại ở Đà Nẵng, các đoàn đang đi có lịch trình về Đà Nẵng và du khách tại các địa phương khác chưa quay về Đà Nẵng, báo cáo Sở Du lịch Đà Nẵng thông tin tình hình cũng như vướng mắc khó khăn. Ngày 28/7, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch Hà Nội ký công văn số 597 tiếp tục triển khai biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Bên cạnh khuyến cáo về tuân thủ hướng dẫn phòng chống dịch, lãnh đạo Sở yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành “tạm dừng chương trình tham quan, du lịch tới địa phương đang có dịch”, đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của khách trong và sau hành trình, hướng dẫn khách theo dõi sức khỏe, khai báo y tế và yêu cầu cách ly theo quy định. Sở cũng đề nghị các doanh nghiệp thống kê, báo cáo tình trạng hủy tua, hủy dịch vụ và đề xuất, kiến nghị tháo gỡ vướng mắc. |
NGUYÊN KHÁNH
Nguồn: Theo Tiền phong