Chùa Tam Chúc là quần thể du lịch tâm linh nổi tiếng của nước ta. Trong dịp lễ Tết, du xuân chùa Tam Chúc để cảm nhận chốn linh thiêng, cầu mong một năm may mắn và tìm hiểu về kiến trúc của ngôi chùa này.
Chùa Tam Chúc ở đâu? Thờ ai?
Chùa Tam Chúc tọa lạc tại thị trấn Ba Sao và xã Khải Phong, thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, rộng 5.100 ha, gồm hồ nước khổng lồ, rộng 1.000 ha, cảnh quan núi rừng tự nhiên 3.000 ha và các thung lũng 1.000 ha. Chùa Tam Chúc nằm ngay gần Hà Nội, chỉ cách trung tâm thủ đô khoảng 60km. Chùa ngày nay được xây dựng trên nền chùa Tam Chúc cổ niên đại hơn 1000 năm.
Địa điểm du xuân miền Bắc này thờ Phật A Di Đà, Phật Quan Âm, Phật Thích Ca Mâu Ni cùng các vị quốc sư góp công lớn trong việc phát triển nền Phật giáo nước nhà.
Cách đến chùa Tam Chúc
Do khá gần Hà Nội nên việc di chuyển đến chùa Tam Chúc không có gì khó khăn. Nếu ở thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh thành lân cận, phương tiện di chuyển thuận tiện và nhanh nhất vẫn là máy bay
Hà Nam chưa có sân bay nên khách du xuân chùa Tam Chúc có thể hạ cánh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Giá vé chặng thành phố Hồ Chí Minh – Hà Nội dịp đầu năm không quá cao, dao động từ 700.000 đồng, đặt càng sớm giá vé sẽ càng rẻ. Thời gian bay là hơn 2 tiếng đồng hồ.
Tới Hà Nội, bạn có thể kết hợp tham quan thủ đô dịp năm mới, sau đó ghé thăm chùa Tam Chúc bằng xe khách, thuê xe tự lái hoặc phượt xe máy đều được. Giá vé xe khách Hà Nội – Tam Chúc chạy thẳng khoảng 60.000 đồng/người, mất tầm 1 tiếng di chuyển, theo đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Một kinh nghiệm tới địa điểm du xuân miền Bắc này là bạn đi càng gần Tết thì giá vé sẽ cao hơn một chút so với ngày thường.
Nếu thích phượt xe máy, du khách chạy đường Giải Phóng, tới bến xe Nước Ngầm, đi theo hướng Thường Tín – Phú Xuyên, đến nút giao với quốc lộ 1A thì vào Quốc lộ đi về hướng Phủ Lý, vào quốc lộ 21 tầm 10 cây số nữa là tới. Đường đẹp, dễ đi, mất khoảng 1 tiếng 30 phút.
Du khách còn có thể chọn xe bus nếu muốn tiết kiệm chi phí. Bạn đón xe tại bến xe Giáp Bát đi bến xe Phủ Lý, rồi từ bến xe bắt xe ôm tới Tam Chúc. Ngoài ra, nếu nhà xa bến xe và muốn thoải mái, các gia đình có thể chọn xe limousine đưa đón tận nơi
>>>Xem thêm: Vé máy bay tết Quý Mão 2023
Giá vé tham quan chùa Tam Chúc
Địa điểm du xuân miền Bắc không mất tiền vé vào cổng, tuy nhiên, bạn sẽ phải chọn 1 trong 2 cách di chuyển để thăm quan khu du lịch. Nếu tới đây bằng ô tô tự lái, phí gửi xe là 10.000 đồng/xe và 5.000 đồng/xe cho xe máy.
Từ bãi gửi xe, khách du xuân Tam Chúc có thể chọn đi xe điện với giá 90.000 đồng/người hoặc du thuyền với giá vé 200.000 đồng/người. Theo , trong trường hợp đi nhóm đông người, bạn nên chọn du thuyền. Còn nếu chỉ đi xe điện, du khách sẽ bỏ qua đình Tam Chúc với lối kiến trúc cực độc đáo.
Du xuân chùa Tam Chúc có gì?
Chùa Tam Chúc có gì? Du xuân chùa Tam Chúc có gì vui? Đó chắc chắn là câu hỏi thắc mắc của nhiều người. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm rằng, nơi này có vô số điều hấp dẫn đang chờ đón bạn.
Cổng Tam Quan
Điểm ấn tượng đầu tiên khi đặt chân tới chùa Tam Chúc chính là cổng Tam Quan. Ngay từ cổng vào, cảm giác uy nghiêm, đồ sộ khiến bạn không khỏi choáng ngợp. Cổng được xây dựng theo đúng kiến trúc đình, chùa đặc trưng của Việt Nam với phần mái cong đẹp mắt.
Cổng Tam Quan cao gần 30m, kiên cố, chắc chắn, sừng sững giữa đất trời. Phía trên là bầu trời xanh biếc, phía sau là những dãy núi trập trùng, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Cổng có hai lối đi hai bên, cho khách du lịch dạo bộ hoặc đi xe vào rất thuận tiện. Đây hứa hẹn sẽ là background xịn sò cho những vị khách nào thích check in chụp ảnh.
Điện Tam Thế
Là công trình đầu tiên và lớn nhất trong quần thể chùa Tam Chúc, Điện Tam Thế nguy nga, rộng lớn, có thể chứa tới 5.000 người. Bước qua cửa gỗ được chạm khắc lộng lẫy, du khách sẽ ấn tượng với ba pho Tam Thế được đúc bằng đồng, phía sau là lá bồ đề dát vàng thật. Ba pho tượng nặng tổng cộng 200 tấn. Khách du xuân chùa Tam Chúc chú ý để dép bên ngoài khi vào hành lễ.
Mỗi bức tường trong Điện Tam Thế lại được sắp xếp một cách rất khoa học và tinh tế từ trái qua phải. Đi dọc điện, bạn sẽ hiểu về Phật giáo và từ đó, tâm hồn được thanh thản, hướng tới những điều tốt lành, chân, thiện, mỹ trong cuộc sống.
Bức tranh đầu tiên là Bánh xe Pháp Luân. Ở giữa là ngọn lửa Tam muội với xung quanh là hình ảnh 6 cõi luân hồi trong Phật giáo, nhắc con người sống thiện, tránh ra tham – sân – si. Cuối cùng là hình ảnh cõi Niết Bàn, một cõi bồng lai tiên cảnh, nơi con người sống hòa nhã, vui vẻ, mùa màng tươi tối, mưa thuận gió hòa…
Đình Tam Chúc
Trong khuôn viên chùa còn có đình Tam Chúc được xây dựng ngay giữa lòng hồ Tam Chúc, thờ Hoàng hậu nhà Đinh Dương Thị Nguyệt. Với địa thế bốn mặt là nước, đình Tam Chúc có cảnh quan đẹp, như chốn nghỉ ngơi, bình an giữa cuộc sống đầy xô bồ, tấp nập. Đặt chân tới đây, bạn sẽ cảm nhận được nhịp sống như chậm lại, mọi âu lo, buồn phiền cũng theo đó tan biến.
Dạo bước thăm quan đình Tam Chúc, hít hà những cơn gió xuân trong lành từ hồ thổi vào, lắng nghe tiếng lá cây xào xạc, thật tuyệt làm sao. Đặc biệt, theo kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc, trong khu vực đình còn có cây cầu gỗ nối dài ra hồ, rất thích hợp để chụp ảnh và ngắm cảnh khi hoàng hôn.
Vườn Cột Kinh
Trong chùa Tam Chúc, một vườn kinh khổng lồ với 12.000 bức phù điêu được chạm khắc vô cùng tinh xảo rất đáng để bạn trải nghiệm trong chuyến du xuân chùa Tam Chúc đầu năm của mình và gia đình.
Vườn kinh dự kiến xây dựng 1.000 cột đá và đến nay vẫn đang hoàn thiện. Mỗi cột cao tới hơn 13m, nặng 200 tấn, làm từ đá xanh nguyên khối. Trên cột đá là các bài kinh được điêu khắc rõ nét, để các vị khách có thể chiêm bái. Ngoài ra, cột đá còn khắc kinh Phật, nhắc nhở con người sống tu nhân tích đức, cầu mong cho cuộc sống con dân ấm no, đủ đầy. Phía dưới chân cột đá là đài sen và hoa tươi trang trí, tạo nét mềm mại, uyển chuyển hơn cho nơi đây.
Chùa Ngọc
Theo kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc, chùa Ngọc cũng là một điểm thăm quan nổi bật tại đây. Tọa lạc trên đỉnh núi Thất Tinh cao vút, chùa Ngọc có diện tích 4000ha, được xem là đích đến cuối cùng ở chùa Tam Chúc. Điều đặc biệt là toàn bộ chùa được chế tác theo phương pháp thủ công từ đá gắn vào nhau, không sử dụng xi măng mà vẫn vô cùng chắc chắn, dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Việt Nam và Ấn Độ.
Chùa Ngọc cao 468m, có 299 bậc thang, để leo tới đỉnh mất khoảng 45 phút. Bên trong chùa thờ Phật A Di Đà làm từ đá hồng ngọc nguyên khối, nặng 4 tấn. Theo kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc, hoàng hôn là thời điểm đẹp nhất để tới chùa Ngọc.
Do đó, bạn cố gắng thăm quan chùa Ngọc trong khoảng 16h – 17h để có thể săn được hoàng hôn. Lúc này, mặt trời rọi ánh nắng đỏ rực còn sót lại của một ngày xuống mặt nước, khung cảnh lãng mạn chẳng khác nào trong phim.
>>>Xem thêm: Review 1 ngày du hí ở Chùa Tam Chúc – Hà Nam
Địa điểm ăn uống ở Tam Chúc
Trong quần thể chùa Tam Chúc có khá nhiều đồ ăn, ngoài ra, nhân chuyến du xuân đầu năm tới Hà Nam, bạn có thể thưởng thức rất nhiều đặc sản nổi tiếng vùng đất này và cực gần chùa.
Dưới đây là một số gợi ý cho bạn và gia đình về địa điểm ăn uống khi du xuân chùa Tam Chúc.
Nhà hàng Thủy Đình: Nhà hàng nằm ngay trong khuôn viên chùa nên rất thuận tiện để ăn trưa, nghỉ chân. Không gian sang trọng, menu đa dạng từ món Á tới món Âu, có cả buffet cho bạn tha hồ lựa chọn.
Nhà hàng Ba Sao: Nhà hàng chỉ cách cổng Tam Quan chừng 800 m, nằm ngay trên quốc lộ 21A, km14. Nhà hàng Ba Sao có ưu điểm là rộng, có phòng ăn lớn và cả phòng riêng, có phòng cà phê. Tới đây, bạn sẽ được thưởng thức các món ăn đồng quê đặc sản vùng núi hoặc các món lẩu, gà… rất ngon.
Theo kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc, các món ăn ngon không thể bỏ qua khi tới Hà Nam là bánh cuốn chả nướng Phủ Lý ngon nức tiếng, cá niêu kho đất Vũ Đại gây thương nhớ hay các món ăn đồng quê như ếch, lươn, dê, gà, lợn mán…
Một số lưu ý khác:
+ Khi ghé thăm chùa Tam Chúc, du khách nên chọn các trang phục lịch sự, không mặc quá ngắn hoặc hở hang
+ Do chùa rất rộng nên nếu có thể hãy đi giày thể thao hoặc đế bằng để không bị đau chân và mang theo giày cao gót nếu muốn chụp hình
+ Để chụp ảnh đẹp nhất, các bạn nữ có thể chọn áo dài, váy dài vintage hoặc cổ phục, các bạn nam chọn cổ phục, sơ mi trắng hoặc áo dài cách tân cũng rất hợp với khung cảnh
+ Dịp đầu năm, lượng du khách đổ về chùa Tam Chúc khá đông nên các bạn chú ý bảo quản tư trang cá nhân, tránh mất trộm hoặc thất lạc
Trên đây là kinh nghiệm du xuân chùa Tam Chúc cho bạn và gia đình chuyến đi đầu năm trọn vẹn và hứng khởi.
Xem thêm bài trải nghiệm và chia sẻ những chuyến đi trên Hahalolo – Mạng xã hội du lịch TẠI ĐÂY
Yến Yến – Theo Báo Thể Thao Việt Nam