“Nhanh nào! Khẩn trương lên nào các chàng trai” – ông Joe (quốc tịch Mỹ) vừa hô vừa đẩy chiếc xe rùa ghé vào đống bao tải đựng cát đã được buộc sẵn. Trong quán bar gần đó, những bài hát sôi động phát lên làm rộn ràng thêm bầu không khí.
Những ngày cuối tháng 10, đường Nguyễn Phan Vinh chạy dọc bờ biển phường Cẩm An – con đường sang trọng, san sát villa, resort hạng sang ngổn ngang như chiến địa. Nhiều người quần áo lấm lem, mặt mày đen nhẻm hối hả chạy đua từng phút chất cao tuyến đê bao trước khi bão số 8 ập tới.
Tất cả đấy là hình ánh những người nước ngoài cùng với dân địa phương xúc cát, đóng bao, đẩy xe rùa đắp đê bao ngăn sóng từ sáng đến tối.
“Chúng tôi đến đây cùng nắm tay người Hội An giữ biển, Hội An là một thành phố quá đặc biệt nên sẽ giảm đi hấp dẫn rất nhiều nếu bờ biển bị hư hại do biến đổi khí hậu” – ông Joe nói.
Làm cùng ông Joe từ tờ mờ sáng tới xế chiều tại bờ biển Cửa Đại còn có vợ ông – bà Christ In (46 tuổi). Ông Joe cùng bà Christ là giáo viên thể hình tại Mỹ. Họ qua Việt Nam đi du lịch từ đầu năm và hiện thuê một căn phòng nhỏ nán lại Hội An. Hai vợ chồng cho biết rất hay ra biển An Bàng tắm, uống bia nên thấy sóng lớn đánh vào làm tan nát bờ biển, cả hai đã rất lo lắng.
“Khi biết chính quyền kêu gọi mọi người ra đắp đê ngăn sóng, chúng tôi tham gia ngay” – bà Christ nói.
Ông Perter (quốc tịch Úc) cũng nói rất vui khi được làm cùng người dân địa phương. “Nếu không ra đây làm, chúng tôi cũng đi loanh quanh đâu đó tham quan, uống cà phê. Nhưng có lẽ việc đó sẽ không vui và không ý nghĩa bằng việc đắp đê ngăn sóng ở bờ biển như thế này” – ông Perter nói.
Thống kê từ chính quyền cho thấy hiện có khoảng 1.200 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Hội An, trong số này có khoảng 300 hộ gia đình đã chọn phố cổ làm nơi sinh sống lâu dài.
Hahalolo Tổng hợp