Đi du lịch Ấn Độ có lẽ là một lựa chọn khá mới lạ đối với nhiều người Việt Nam. Tuy nhiên sau khi khám phá đất nước này, bạn sẽ có được cái nhìn đúng đắn hơn đấy. Bây giờ hãy theo chân chàng trai Hàn Quốc Định với chuyến vi vu Ấn Độ đặc biệt sau đây nhé!
Cách đây 3 tháng có mơ mình cũng không nghĩ sẽ chọn Ấn Độ là một trong những nơi muốn đến của mình. Thậm chí lúc mình bảo sẽ ghé thăm nơi đây như điểm dừng chân cuối cùng trong năm qua, nhiều người vẫn dùng những từ “nóng nực”, “dơ bẩn”, “nguy hiểm” để cảm thán về vùng đất rộng lớn và huyền bí này . Còn mình, sau 10 ngày “lê lếch” trở về khỏe mạnh thì mình có thể dõng dạc “bênh vực” lại bằng ba cụm từ “lộng lẫy” “bao la” và “đầy sắc màu!”
1. Những thứ cần chuẩn bị trước khi đi Ấn Độ
Vé máy bay: Vietjet vừa khai trương đường bay thẳng đến New Dehli (5 giờ bay) cuối năm nay, thế là tụi mình hốt lẹ với giá 5tr (bao gồm cả 7kg xách tay + 20kg ký gửi).
Tiền: Đơn vị tiền tệ ở Ấn là Rupee (INR), (100 INR = 32.000 VNĐ). Theo kinh nghiệm của mình là các bạn nên đổi sang USD ở Việt Nam trước rồi sau đó mang sang Ấn xài bao nhiêu đổi bấy nhiêu. Tỉ giá ở mỗi thành phố cũng khác nhau tùy hỉ nhưng chung quy vẫn được giá hơn so với đổi thẳng từ Việt Nam nhé.
Visa: Đăng ký online sau 3 ngày là có, chỉ cần scan trang passport đầu tiên, tấm ảnh nền trắng cùng với phí 25 USD cho thời hạn lưu trú 30 ngày.
Sim: Tụi mình mua sim 4G trên Klook với giá 432k cho 15 ngày. Nhưng theo kinh nghiệm của mình các bạn nên tìm mua sim có số điện thoại để dễ dàng book Uber và sử dụng wifi (wifi bên đó đều cần số mới kích hoạt được).
Giờ giấc: Ấn Độ (+ 5:30) chậm hơn Việt Nam 1h30’, nhìn chung thì giờ giấc sinh hoạt bên họ cũng như mình, nhưng tầm 9h tối nên về nhà đắp mặt nạ đi ngủ là được rồi, đừng đi khuya quá nhé.
2. Di chuyển tại Ấn Độ
Từ sân bay về trung tâm thành phố hoặc ngược lại: ngoài phương tiện là Uber hoặc Taxi khá đắt đỏ thì bạn có thể dễ dàng về đến trung tâm thành phố bằng tàu điện ngầm chỉ với 60 INR (20k) trong vòng 20p.
2.1 Di chuyển giữa các thành phố
Tàu lửa: Mặc dù có vẻ sẽ khá bất tiện nhưng mình khuyên các bạn nên thử đi một lần, vừa có thể ngắm nhìn đường phố và cũng là nơi thể hiện rõ nhất cuộc sống đầy sắc màu của nhiều tầng lớp người dân Ấn Độ. Tuy nhiên việc mua vé tàu cần mất rất nhiều thời gian nên các bạn nhớ lưu ý lịch trình và book luôn một lần (bóc số chờ y chang khám bệnh).
Xe khách: Giá có hơi cao hơn 1 chút nhưng bù lại tiện nghi cực kỳ tốt, tốt hơn cả xe khách Việt Nam luôn, phù hợp với những chuyến di chuyển xa qua đêm.
Taxi: Đây là phương pháp bất đắt dĩ mới dùng nha vì các bạn không tưởng tượng được sự thách giá của tài xế kinh khủng tới mức nào đâu.
2.2 Di chuyển trong thành phố
Uber: Dành cho các bạn lười trả giá, dễ dàng tiện lợi nhưng lưu ý cần phải có số điện thoại mới dùng được nha.
Tuk tuk: Đi cái này cực vui, vừa được trả giá, ngắm nhìn đường phố lại còn bonus thêm quả nhạc Bollywood của mấy ông tài xế rộn ràng, à còn được hít bụi và chơi trò cảm giác mạnh nữa.
Đi bộ: Khuyến khích sử dụng cho vùng Jaipur và Jodhpur vì các địa điểm tham quan khá gần nhau, hơn nữa việc khám phá các ngóc ngách nơi đây cũng cực kỳ cực kỳ thú vị mà không phương tiện di chuyển nào khác có thể mang lại được.
3. Ở đâu tại Ấn Độ
New Dehli: The Ritz với giá cả tuy hơi cao 1 chút (600k/2người/đêm) nhưng dịch vụ cực kỳ tốt, sang trọng không khác gì các khách sạn 3-4 sao ở Việt Nam, buổi sáng buffet (có phí) ngon miệng, bảng giá thức ăn khá rẻ (rẻ hơn cả Việt Nam), các bạn nên chọn nơi đây là nơi dừng chân đầu tiên để có mood đi chơi. Ngoài ra dịch vụ đưa đón sân bay là 950 INR cho 2 người.
Agra: các bạn muốn săn mặt trời ở Taj Mahal nên book phòng ngay trên đường Western Gate Taj Mahal để tiện bước vài bước là tới nơi luôn nhé.
Jaipur: The Hosteller Jaipur với décor tông vàng cực bắt mắt (430k/2người/đêm) cùng nhiều phòng tiện ích (phòng đọc sách, ủi đồ, hội họp..) và đặc biệt có tầng thượng là khu pub nhỏ luôn náo nhiệt cùng view thành phố siêu lung linh về đêm.
Jodhpur: Casa de Jodhpur (600k/2người/đêm) với thiết kể kiểu hang động siêu đẹp, chủ ở sát vách thân thiện và view tầng thượng cực kỳ xịn xò có thể nhìn khắp thành phố xanh cùng vách pháo đài sừng sững vây quanh. Nếu có cơ hội mình sẽ quay lại đây một lần nữa for sureee!!
4. Thức ăn
Thật ra đồ ăn của Ấn Độ không khó ăn như tụi mình tưởng tượng, đến mức ngày cuối 8 ly mỳ của mình vẫn còn nguyên vẹn trong vali phải năn nỉ cả team ăn dùm. Tụi mình ăn khá sang, toàn vào nhà hàng ăn (4 người với 6 – 7 món) mà chi phí chỉ khoảng 150k – 200k/người thôi, và các bạn cứ tự tin order những gì các bạn thích, xui xẻo thì “dùng một lần tởn một đời” lần sau sẽ rút kinh nghiệm không order nữa, nhưng cũng đáng để thử ở 1 đất nước đầy tinh hoa và lắm bất ngờ này.
5. Thời tiết
Tụi mình đi ngay cuối tháng 12 đầu tháng 1 (đón countdown bên này luôn), thời tiết chỉ vỏn vẹn 5-10 độ C cực kỳ lạnh nhưng bù lại sẽ không nghe được mùi cơ thể – “nét đặc trưng” ở Ấn Độ, tha hồ mặc đẹp đi thành cổ, sa mạc cả ngày mà không đổ một giọt mồ hôi.
>>> Xem thêm: 3 ngày khám phá một Bali “khác với tưởng tượng”
6. Những điều “bất ngờ” tại Ấn Độ
6.1 Trả giá tại Ấn Độ
Mình chỉ dẫn chứng 1 vài cú “sốc văn hóa” mà tụi mình đối mặt để mấy bạn chuẩn bị tâm lý trước thôi nha nha. Sự nhiệt tình của một tài xế lúc mời bạn lên xe sẽ tỉ lệ thuận với độ trở mặt xòe tay đòi tiền tip lúc bạn xuống xe. Khi họ deal giá là như vậy cho 1 cuốc xe (là cho 4 người) nhưng khi xuống xe họ lại trở mặt đó là giá của 1 người và đòi thêm là chuyện xảy ra cực kỳ bình thường.
Trong mấy điểm du lịch, khi đang lượn lờ chụp hình mà có người bảo chỗ này xinh lắm nè, bạn mà bước tới là auto xòe tiền tip ra cho họ nha.
Bạn deal được giá tốt? Đừng tưởng bở, đến giờ hẹn họ sẽ bảo hồi nãy giá khác bây giờ tao lộn tao lấy giá khác để đòi thêm tiền!
Bạn muốn đi chỗ khác để dò giá ư? Đừng tưởng bở, họ sẽ đi theo để xì xào với những chỗ đó để ngta đưa giá cao hơn, bạn sẽ phải quay về nơi ban đầu!
Bạn nghĩ ok thêm tiền sẽ được lên xe? Đừng tưởng bở, lúc xe đến họ sẽ mang con xe chút ét đến mặc dù bạn đã show cho họ thấy hành lý của mình, muốn xe bự hơn để bỏ vừa hành lý ư? Ok thêm tiền nhé!
Ok luôn chất vừa hành lý và bạn đã an tọa trên xe chuẩn bị lên đường? Đừng tưởng bở, vẫn có người đập cửa lôi bạn xuống nếu họ không được chia chác đầy đủ với ông tài xế và ông cò xe.
6.2 Cách đối phó khi gặp những trường hợp đặc biệt
Và sau 1 ngày đầy những cú twist như drama Cô dâu 8 tuổi, bạn sắp tới nơi và nghĩ mình sẽ được bình bình an an ngã lưng yên ổn ư? Đừng tưởng bở, tài xế sẽ giả đò gọi tới khách sạn để confirm khách sạn rồi sau đó bảo với các bạn là họ đã cancel vì lý do nào đấy hòng đưa bạn đến nơi khác để nhận tiền cò cao hơn, trường hợp này cũng sẽ áp dụng khi bạn nhờ họ book dùm vé bus/tàu lửa/xe khách.. cách tốt nhất là mặc kệ và cứ đến đó và làm việc trực tiếp với bên kia.
Và cái này mới vui nè, tới nơi khách sạn nó cancel thiệt má ơi. Lý do là họ hết hợp tác với booking nên họ thích họ cancel vậy đó.
Tới tận ngày cuối tụi mình lên tuk tuk ra tàu điện ngầm để đến sân bay, với đoạn đường vỏn vẹn 2km mà ông tài xế tuk tuk vẫn bị 2 anh cảnh sát giao thông đè đầu quánh bập bập giữa đường nữa cơ, nhưng may mà sau đó họ vẫn nicely xin lỗi và book xe khác cho tụi mình.
Cách tốt nhất để đối phó là gì? Mặt dày lên, đơ lên, cứng rắn lên, cự cãi mạnh mẽ lên, tụi mình ngày đầu ngày hai còn sợ họ bu vô đánh chứ mấy ngày sau thì chai lì cảm xúc rồi, yên tâm họ được cái ăn vạ làm tiền nhây lì vậy thôi chứ vẫn không dám làm gì mấy bạn đâu!
7. Lịch trình khám phá Ấn Độ
Cuối cùng là lịch trình nhanh gọn lẹ của tụi mình (vì gặp khá nhiều bất ngờ cũng như không thể kiểm soát được lịch trình vì nhiều lý do, nên lần này mình sẽ không nêu rõ chi phí nhé. Tuy nhiên cuối bài mình sẽ tổng kết một cách chi tiết nhất có thể.
Ngày 1: New Delhi – Agra
Buổi sáng tụi mình dành hẳn ở sân ga để book vé cho các chuyến tàu, sau đó di chuyển đến Agra bằng taxi (3 tiếng). Qua đêm tại Agra.
Ngày 2: Agra (Taj Mahal/ Agra Fort) – Jaipur
Buổi sáng tụi mình săn mặt trời ở Kỳ quan thế giới TajMahal ( giá vé 1.200 INR dành cho khách nước ngoài, thời gian tham quan 3 tiếng bao gồm 1 chai nước, balo bị lục soát khá kĩ, nhưng yên tâm là có nơi cho bạn gửi hành lý nhé) cuối cùng mặt trời không có đúng hẹn.
Sau đó tụi mình qua AgraFort kế bên bằng tuk tuk (100 INR), đây là 2 nơi đáng đi nhất ở Agra nhỏ bé, giá vé là 650 INR giảm còn 600 INR nếu còn giữ vé ở Taj Mahal. Sau đó tụi mình di chuyển bằng tàu lửa đến Jaipur (3 tiếng). Qua đêm tại Jaipur.
Ngày 3: Jaipur (Gaitor/ Amber Fort/ Jal Mahal)
Tụi mình book luôn tuk tuk day tour với giá 700 INR (2xe/4ng, chưa tính tip) đi từ 9h sáng tới 6h chiều.
Gaitor: Khu lăng mộ của Hoàng gia đậm chất Hy Lạp, vào cửa miễn phí, đây cũng là nơi mình thích nhất, vừa vắng vẻ mà vô vàn góc sống ảo, khác hẳn các phần còn lại của Ấn Độ, highly recommend nhaaa.
AmberFort: (500 INR) cực kỳ hùng vĩ, nhưng cũng cực kỳ đông, có nhiều khu chợ trời đầy màu sắc, đi hơi cực nhưng rất đáng để thử.
JalMahal: cung điện nước trôi lửng lơ giữa dòng nước, chỉ đi ngang ngắm ngắm rồi về thôi. Ngoài ra họ còn đưa bạn đến các nhà hàng siêu ngon siêu rẻ, ghé các xưởng thủ công, dạo Pink city và mấy vòng quanh chợ. Hôm đó thật sự là ngày chơi vui nhất, ở đây du lịch rất phát triển và người dân ở Jaipur cũng thân thiện, chuyên nghiệp và “ít trò” hơn hẳn ở New Dehli.
Ngày 4: Jaipur (Wind Palace | City Palace | Pink City)
Tụi mình dành hẳn ngày cuối ở Jaipur để đi “walk tour” vì ngoài việc 3 điểm tham quan trên sát sàn sạt nhau thì việc đi bộ dạo quanh khu vực này sẽ giúp bạn cảm nhận rõ hơn nhịp sống ở nơi đây.
Đối với Lâu đài gió WindPalace hôm trước tài xế đã đưa tụi mình ghé ngang quán cafe đối diện với view cực đẹp nhưng vì không có thời gian ngồi lại nên tụi mình chỉ vào chụp 1 ngàn tấm rồi về. Mình nghĩ các bạn nên đến buổi sáng sớm để có nắng đẹp cũng như thời gian nhâm nhi bữa sáng và ngắm nhìn toàn thành phố từ trên cao sẽ thú vị hơn nhiều.
Cách đó không xa là CityPalace tráng lệ (giá vé 500 INR), nhớ lần mò cho kĩ nha chứ nhiều cổng không tìm hiểu trước là không biết kiếm ra uổng lắm đó. Tối về là đêm giao thừa, nhưng thay vì lên sân thượng ngắm pháo bông và mở tiệc linh đình với các bạn ở hostel thì mình quá mệt nên ngủ o o ngon lành.
Ngày 5: Jaipur – Jodhpur
Sau 2 ngày khám phá sẽ là 1 ngày di chuyển, đến Jodhpur (5 tiếng) thì mặt trời cũng lặn rồi, khách sạn mình có review ở trên, nằm ngay trong khu Blue City luôn, tụi mình đi lòng vòng ăn uống rồi về nghỉ ngơi dưỡng sức.
Ngày 6: Jodhpur (Blue City/ Mehrangarh Fort/Stepwells/ Clock Tower)
Tiếp tục 1 ngày “walk tour” cực thú vị vì từng ngóc ngách xinh đẹp tại thành phố xanh này, bạn sẽ không thể khám phá hoặc cảm nhận được hết nếu di chuyển bằng tuk tuk đâu, những địa điểm trên đều nằm trọn nơi đây nên cứ thoải mái cầm map mà bước thôi. Yên tâm là không uổng phí sức lực đâu.
MehrangarhFort: riêng bản thân mình thích pháo đài này nhất, rộng lớn và có nhiều nhà hàng cũng như các khu giải trí bên trong nên yên tâm là đi hoài không chán.
Stepwells hay còn gọi là Giếng bậc thang Toorji Ka Jhalra, đây cũng là địa điểm “phải đến”, ngồi trên bậc thang của giếng trời, ngắm nhìn người địa phương dân thả mình từ độ cao hỏng biết nhiêu mét nhưng mà vui lắm quí dị ạ. Ở quanh đây cũng nhiều quán cafe xịn xò view đẹp, và nhiều cửa hàng lưu niệm, đi lòng vòng không muốn về luôn ấy.
Tháp đồng hồ JodhpurClockTower ngay khu chợ nổi tiếng với quán bán Omlettes cực xuất sắc các bạn nên thử vào buổi sáng sớm nha.
Ngày 7: Jodhpur (Jaswant Thada) – New Dehli
Buổi sáng tụi mình di chuyển tới JaswantThada là một cenotaph với nhiều công trình, khu vườn và hồ nước rộng lớn. Tối về tụi mình lên xe khách giường nằm di chuyển về New Dehli (8 tiếng). Mình có hơi tiếc 1 tẹo nếu bạn còn dư dả thêm 1 ngày hãy book tour cưỡi lạc đà ở sa mạc Thar cách Jodhpur không xa nhé, tới giờ mình vẫn còn tiếc vì thời gian ở đây khá ít.
Ngày 8: New Dehli (India Gate/ Connaught Place Dehli)
Đến New Dehli vào sáng sớm, tụi mình ăn sáng tại ks và nhận phòng nghỉ ngơi, chiều ghé biểu tượng của thành phố New Dehli là IndiaGate. Sau đó đến khu phức hợp Connaught Place Dehli gần đó để ăn uống, cafe, shopping, tận hưởng những ngày cuối tại đây.
Ngày 9: New Dehli (Street Art) – Tp. HCM
Ngày cuối tụi mình tự do khám phá, riêng mình chọn đi tham quan con đường Lodhi Street Art rồi đi mua sắm lòng vòng. Cuối cùng ra sân bay bằng tàu điện ngầm, ăn tối và bay về Tp. HCM.
Chi phí: Như mình đã nói ở trên, vì tụi mình không control được việc di chuyển giữa các thành phố (việc đặt vé khá khó khăn phải mua trực tiếp hoặc thanh toán bởi người Ấn) nên mình không note lại chi tiết được hết các chi phí, tuy nhiên thì: Vé máy bay 5 triệu + sim 500k + khách sạn (mình chuyển khoản trước 1 nơi là 1tr5).
Mình đổi 450USD cho tất cả các chi phi còn lại (vẫn còn dư 1 ít) thì tổng cộng chuyến đi của tụi mình trong tầm 17tr cho chuyến đi 10 ngày nhé (chưa tính shopping), hi vọng bài review ngắn ngủn này sẽ giúp ích được phần nào cho các bạn có ý định đến thăm đất nước xinh đẹp và đầy sắc màu này.
>>> Xem thêm: Đến Bắc Phi khám phá Morocco – Xứ sở Nghìn Lẻ Một Đêm tuyệt diệu
Nếu bạn cảm thấy Ấn Độ có nhiều điều đặc biệt đáng để khám phá, hãy lên ngay lịch trình phù hợp cho chuyến đi đến đất nước này ngay trong năm 2021 nhé!
Xem thêm bài trải nghiệm và chia sẻ những chuyến đi trên Hahalolo – Mạng xã hội du lịch TẠI ĐÂY.
Theo Hàn Quốc Định