Kinh nghiệm du lịch Đắk Lắk – Âm vang đại ngàn

Nhắc đến văn hóa cồng chiêng, cà phê hay những chú voi thì ai cũng sẽ nghĩ ngay đến du lịch Đắk Lắk, một tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam. Nếu bạn đã mải miết với những bãi biển đẹp, những ngọn núi trùng điệp hay những thắng cảnh du lịch sầm uất, hãy dành thời gian “đổi gió” với miền đất Tây Nguyên hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm này. Hahalolo sẽ đưa bạn “du hí” Tây Nguyên một vòng từ những địa điểm tham quan nổi tiếng nhất cho đến những món đặc sản địa phương ấn tượng nhất nhé!

1. Giới thiệu về Đắk Lắk

Đắk Lắk là một trong những tỉnh giàu tiềm năng về du lịch của Việt Nam vì Đắk Lắk có nhiều di tích, thắng cảnh và có truyền thống văn hóa đa dạng, phong cảnh nơi đây là sự kết hợp hài hòa giữa nét đẹp hoang sơ của núi rừng pha lẫn sự hiện đại của phố thị. Một phố núi dịu dàng và tĩnh lặng, nhưng lại vô cùng quyến rũ bởi những dãy núi đồi hùng vĩ, những cánh rừng cà phê xanh bạt ngàn, xen lẫn vào đó là những ngôi nhà sàn của người dân tộc. Dân cư sinh sống ở đây phần lớn là người Kinh, Ê Đê,M’nông và J’rai… người dân tộc tại chỗ sinh hoạt gắn liền với Bến nước và Nhà sàn.
Đặc biệt, Đắk Lắk có Bản Đôn là một địa danh đã được đưa vào bản đồ du lịch thế giới vì truyền thống săn bắt, thuần dưỡng voi rừng và Buôn Ma Thuột được xem như là một trong những “thủ phủ cà phê” trên thế giới.

%Hahalolo tin tức%
Đắk Lắk ( ảnh: internet )

Đắk Lắk có bản sắc văn hoá đa dạng như các trường ca truyền miệng lâu đời Đam San, Xinh Nhã dài hàng nghìn câu; như các ngôn ngữ của người Ê Đê, người M’Nông…; như các đàn đá, đàn T’rưng, đàn k’lông pút…
Đắk Lắk cũng là một phần của Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngoài ra, Đắk Lắk còn có các ngôi nhà dài truyền thống của người bản địa mà theo huyền thoại có thể “dài như tiếng chiêng ngân” hoặc các bến nước tại các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở các buôn làng ở Đắk Lắk còn có những sản phẩm gia dụng như bàn, ghế và kể cả thuyền độc mộc đẽo từ những cây rừng lớn nguyên vẹn.

2. Thời gian lý tưởng để đến Đắk Lắk

Đắk Lắk thuộc khu vực khí hậu cao nguyên với hai mùa rất rõ rệt là mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) và mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau). Thời gian lý tưởng để tham quan nơi đây là tháng 12 đến tháng 3 bởi thời gian này là thời gian hoa dã quỳ nở rực cả vùng núi Tây Nguyên, hoa cà phê nở trắng núi đồi và cũng là khoảng thời gian diễn ra nhiều lễ hội lớn nhất.

3. Phương tiện di chuyển

  • Hàng không: Hiện tại, đang có 3 hãng bay khai thác đường bay đến Buôn Mê Thuột bao gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar.
    Các hãng bay này đang khai thác tuyến bay từ Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP.HCM đến Buôn Mê Thuột. Cụ thể như sau:
    – Thành phố Hồ Chí Minh – Buôn Mê Thuột
    – Hà Nội – Buôn Mê Thuột
    – Đà Nẵng – Buôn Mê Thuột
    – Vinh – Buôn Mê Thuột
  • Xe khách: Từ 3 thành phố lớn nhất nước ta đều có các xe khách chạy thẳng đến Buôn Mê Thuột.
    – Từ TP. HCM đến Đắk Lắk: thời gian di chuyển là 7 tiếng.
    – Từ Hà Nội đến Đắk Lắk: di chuyển trong vòng hơn 1 ngày.
    – Từ Đà Nẵng đến Đắk Lắk:di chuyển trong vòng 12 tiếng 
    – Bạn nên cân nhắc đi xe khách tuyến này nếu bạn là một người say xe bởi thời gian di chuyển dài sẽ khiến bạn vô cùng mệt mỏi.

4. Các địa điểm tham quan tại Đắk Lắk

4.1 Đá Voi Mẹ

Đá Voi Mẹ nằm cách trung tâm TP. Buôn Mê Thuột khoảng 40 km theo Quốc lộ 27. Tảng đá này được ước lượng là tảng đá nguyên khối lớn nhất Việt Nam với chiều dài khoảng 200m với chu vi dưới chân đá khoảng 500m, chiều cao là khoảng hơn 30m.

%Hahalolo tin tức%
đá voi mẹ ( ảnh: cường quốc phạm )

Bạn sẽ mất khoảng 15 phút để trèo lên đỉnh cao nhất của tảng đá và từ đó, bạn có thể ngắm nhìn từ trên cao rất nhiều thắng cảnh trong khu vực như: hồ Yang Reh và dãy Chư Yang Sin, nơi được mệnh danh là mái nhà của Tây Nguyên. Một lưu ý khi bạn leo lên đỉnh đá Voi Mẹ chính là bạn phải thật sự cẩn thận để tránh bị gió mạnh thổi làm ngã hay trượt tay khỏi chỗ bám..

4.2 Bảo tàng dân tộc Đắk Lắk

Bảo tàng Đắk Lắk là một công trình kiến trúc khá ấn tượng với sự kết hợp giữa một nhà rông, một nhà dài của người Ê Đê và nhà trệt của người M’Nông. Bảo tàng nằm trong khuôn viên Biệt điện Bảo Đại cũ, nhìn bên ngoài trông rất bề thế và độc đáo.

%Hahalolo tin tức%
bảo tàng dân tộc Đắk Lắk ( ảnh: internet )

Ở trong bảo tàng là nơi trưng bày nhiều hiện vật của các dân tộc Tây Nguyên, nơi đây sử dụng 4 thứ tiếng là tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ê Đê để trưng bày và thuyết minh về các hiện vật đó. Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc sáng tạo cùng những hiện vật phong phú để có thêm cơ hội hiểu về cuộc sống, sắc màu văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

4.3 Cụm thác Đray Nur, Đray Sap

Cụm thác này đều thuộc dòng sông Serepok, thác Đrây Sáp là thác Chồng, thác Đrây Nur là thác Vợ theo tên gọi quen thuộc của người dân địa phương. Ẩn sau hai ngọn thác hùng vĩ này chính là một truyền thuyết của núi rừng. Thác Đray Sáp và Đray Nur có thể đi thông qua nhau và nơi giao nhau này cũng chính là điểm du lịch, thăm thú tuyệt vời cho du khách.
Đến đây vào mùa mưa tuy đường xá đi lại khá vất vả nhưng lại được ngắm thác đẹp hơn.

%Hahalolo tin tức%
Cụm thác Đray Nur, Đray Sap ( ảnh: internet )

4.4 Vườn quốc gia Yok Đôn

Vườn Quốc gia Yok Đôn là vườn quốc gia rất rộng nhất Việt Nam bởi nó nằm trên địa bàn 3 huyện bao gồm huyện Buôn Đôn, huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông). Với địa hình tương đối bằng phẳng, Yok Đôn sở hữu hai ngọn núi nhỏ ở phía Nam của sông Serepok. Những cánh rừng ở vườn quốc gia Yok Đôn chủ yếu là rừng tự nhiên. Phần lớn rừng là rừng khộp và đây cũng là vườn quốc gia duy nhất trên nước ta bảo tồn loại rừng đặc biệt này.

%Hahalolo tin tức%
Vườn quốc gia Yok Đôn ( ảnh: internet )

Đến với Yok Đôn, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm các hình thức du lịch sinh thái khá thú vị như cưỡi voi, đi tản bộ trong rừng hay đạp xe địa hình băng qua các cánh rừng nguyên sinh. Ngoài ra, đi du thuyền độc mộc trên dòng Serepok cũng là trải nghiệm rất thơ mộng mà chỉ có Tây Nguyên .

4.5 Buôn Đôn

Buôn Đôn hay Bản Đôn đã từng được nhắc đến rất nhiều trong những câu hát của trẻ thơ. Tuy nhiên, ít ai biết rõ rằng nơi đây là nơi chung sống của các dân tộc Ê đê, M’Nông, Gia Rai, Lào, Thái… Đến Đắk Lắk, bạn không thể bỏ qua Buôn Đôn bởi nếu không ghé thăm Buôn Đôn thì có lẽ bạn chưa thực sự đến Tây Nguyên. Điều thú vị nhất mà mọi người đều mong đợi khi đến Buôn Đôn chính là hoạt động cưỡi voi, bạn sẽ chỉ mất 300.000 đồng để cưỡi những chú voi dễ thương trong vòng 30 phút với 3 người, một chú voi có thể đưa tầm 3-4 người đi vòng quanh Buôn. Cảm giác thích thú trên hành trình cưỡi voi này chắc là lúc những chú voi đi băng qua sông Serepok.

%Hahalolo tin tức%
Buôn Đôn ( ảnh: internet )

Một điểm đến nổi tiếng ở Buôn Đôn chính là nhà của huyền thoại săn voi Amakong cùng với loại rượu mang tên ông. Ngoài ra, cảm giác đi qua cây cầu treo dài nhất Việt Nam cũng sẽ rất thích thú hay hoạt động thăm nhà dài hàng trăm mét của người dân nơi đây, thăm mộ vua voi cũng chắc chắn sẽ mang lại cho bạn cảm giác mới mẻ.

4.6 Hồ Lắk và biệt thự Bảo Đại

Hồ Lắk là hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ 2 ở Việt Nam với chiều rộng 5km. Điều thú vị là hồ này thông sang tận Biển Hồ ở Pleiku. Bạn sẽ có một số trải nghiệm thú vị ở hồ Lắk như là đi thuyền ngắm cảnh hồ, dạo quanh các buôn làng ngắm nhìn khung cảnh lao động của người dân nơi đây hay tạt vào các khu chợ cóc thử các món ăn vặt.

%Hahalolo tin tức%
Hồ Lắk ( ảnh: bảo trân )

Ngoài ra, gần khu vực này có biệt thự Bảo Đại nằm ở ngay trên đồi, đây thực sự là điểm ngắm nhìn hồ Lắk trên cao tuyệt vời nhất. Điểm lãng mạn khác và cũng sẽ được dân ghiền chụp ảnh yêu thích chính là con đường lên biệt thự phủ đầy rêu và những cây đại nở hoa trắng tinh khôi, những cánh hoa rụng in lên mặt đường vô cùng thơ mộng. Bạn cũng có thể thưởng thức ngay một ly cà phê trên khuôn viên của biệt thự. Tựa như cảm giác ngồi ở một quán cà phê trên cao ở Sapa ngắm nhìn toàn núi đồi bồng bềnh trong mây thì ngồi ở mảnh đất của cà phê chính gốc, nhâm nhi vị đắng và ngắm nhìn biển hồ Tây Nguyên cũng chắc chắn không kém phần thú vị.

4.7 Buôn Akô Đhông

Nằm cuối đường Phan Chu Trinh, cách trung tâm thành phố khoảng 2 km, Akô Đhông chính là nguồn cội tạo nên thành phố Buôn Mê Thuột ngày nay. Cái tên Akô Đhông có nghĩa là “suối đầu nguồn”, đây là buôn làng hùng mạnh và giàu có nhất vào thời xưa. Những căn nhà cổ trong buôn bây giờ vẫn được giữ nguyên để phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch.

%Hahalolo tin tức%
Buôn Akô Đhông ( ảnh: internet )

Lối đi vào buôn cũng được trồng hoa rất thơ mộng, bạn có thể được trải nghiệm các lễ hội mang đậm bản chất Tây Nguyên nếu bạn đến đây vào thời gian các già làng tổ chức lễ hội để giữ gìn nếp sống, văn hóa buôn làng.

4.8 Khu du lịch sinh thái Kotam

Nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 7km, khu du lịch sinh thái Kotam tọa lạc ở Km4, quốc lộ 26, phường Tân Hòa, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột là một điểm đến đáng để bạn trải nghiệm khi tới với vùng đất cao nguyên. Nơi đây sở hữu những con đường hoa dã quỳ, vào tháng 12 thì nở vàng rực khu vực. Ngoài ra, không gian văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng được thể hiện trong các khu trưng bày, trong các nếp nhà cũng như những mặt hàng thổ cẩm tinh tế mà bạn có thể mua về làm quà.

%Hahalolo tin tức%
Khu du lịch sinh thái Kotam ( ẢNH: st )

4.9 Khu du lịch sinh thái Ea Kao

Nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 12km, ở ngay cuối đường Y-Wang, hồ nước ngọt Ea Kao là điểm nổi bật trong khu du lịch sinh thái Ea Kao.
Với diện tích lên tới 120 ha, khu du lịch sinh thái Ea Kao là một khu vực lý tưởng để tổ chức cắm trại hay tổ chức picnic ngoài trời, rất lý tưởng cho các hoạt động teambuilding. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là dịch vụ ở đây còn khá hạn chế nên nếu có ý định tổ chức vui chơi ở đây, bạn phải chuẩn bị kỹ lưỡng các vật dụng cần thiết từ trước.

%Hahalolo tin tức%
Khu du lịch sinh thái Ea Kao ( ảnh: internet )

4.10 Cây kơ-nia cổ thụ

Cây kơ-nia cổ thụ nằm trong khuôn viên nhà văn hóa trung tâm tỉnh, là một loài cây gỗ lớn, cao khoảng 15-30m cùng với đường kính 40-60cm. Cây kơ-nia mang ý nghĩa tâm linh rất lớn, được xem là nơi trú ngụ của các vị thần nên người đồng bào dân tộc thiểu số ở đây không bao giờ dám chặt phá. Ngoài ra, cây kơ-nia còn gắn với hình ảnh Tây Nguyên từ bao đời nay, bóng cây to lớn che chắn cho người dân nơi đây bao đời.

%Hahalolo tin tức%
ây kơ-nia cổ thụ ( ảnh: internet )

4.11 Chùa sắc tứ Khải Đoan

Chùa sắc tứ Khải Đoan là ngôi chùa lớn nhất thành phố Buôn Ma Thuột và cả tỉnh Đăk Lăk. Ngôi chùa được xây dựng ở khu vực Tây Nguyên vào năm 1951 với ý nghĩa tên gọi được ghép từ tên vua Khải Định và hoàng thái hậu Đoan Huy.
Sau khi trùng tu và được bổ sung thêm các công trình mới, ngôi chùa trở thành địa điểm du lịch tâm linh không thể bỏ lỡ của du khách khi đến Buôn Ma Thuột.

%Hahalolo tin tức%
hùa sắc tứ Khải Đoan ( ảnh: bảo trân )

4.12 Làng cà phê Trung Nguyên

Cà phê Trung Nguyên là một thương hiệu có tiếng không chỉ ở trong mà còn là ngoài nước. Còn gì tuyệt vời hơn được đến tân mảnh đất sản sinh ra thương hiệu cà phê nổi tiếng để được thưởng thức tách cà phê chính gốc hay mua cà phê về làm quà cho người thân, bạn bè. Ngoài ra, kiến trúc khu làng này cũng rất thú vị với các khu tiểu cảnh được thiết kế khá hoành tráng như thác nước lớn, cầu, suối, ao hồ hay nhà sàn…

%Hahalolo tin tức%
Làng cà phê Trung Nguyên ( ảnh: internet )

5. Các lễ hội đặc trưng tại Đắk Lắk

5.1  Lễ hội đua voi

Là lễ hội được tổ chức vào tháng 3 hàng năm tại khu vực Bản Đôn – Huyện Buôn Đôn. Trong lễ hội, các chú voi nhà sẽ được tham gia nhiều môn thi như chạy đua, bơi vượt sông, đá bóng…trước sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo du khách và người dân trong khu vực.

%Hahalolo tin tức%
 Lễ hội đua voi ( ảnh: internet )

5.2  Lễ hội Cồng chiêng

Là một lễ hội được tổ chức hàng năm theo hình thức luân phiên tại các tỉnh có văn hoá cồng chiêng trong đó Đắk Lắk là một điểm quan trọng và hay được chọn nhất do vị trí trung tâm văn hoá, chính trị, xã hội của khu vực. Trong lễ hội nghệ nhân của các tỉnh sẽ trình bày, biểu diễn không gian văn hoá của dân tộc và của tỉnh mình.

%Hahalolo tin tức%
LỄ HỘI CỒNG CHIÊNG ( ẢNH: INTERNET )

5.3 Lễ hội cà phê

Là một lễ hội được tổ chức ở Đắk Lắk để tôn vinh cây cà phê, loài cây chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu cây trồng ở đây. Lễ hội mới chỉ bắt đầu được tổ chức từ năm 2005 trong chương trình quảng bá hình ảnh Thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột và được tổ chức hàng năm.

%Hahalolo tin tức%
Lễ hội cà phê ( ảnh: internet )

5.4 Lễ cúng Bến nước

Lễ cúng được tổ chức hàng năm, với mục đích cúng tạ thần nước đã đem lại những may mắn trong năm cũ và cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi cho năm sau.
Già làng hoặc thầy cúng sẽ là người chủ trì lễ cúng với mâm đồ cúng là thịt lợn, gà và quan trọng nhất là một chậu tiết loãng. Bến nước hôm đó được trang hoàng với cổng chào bằng lá cây, cỏ lá dài, có treo đồ vật trang trí, có dựng cả trụ trang trí dạng như cây nêu của người Kinh. Sau khi làm thủ tục cúng xong ở bến nước, người ta sẽ lấy nước vào các vật đựng nước thường là các quả bầu khô, bỏ vào gùi và cõng về nhà lấy khước. Trong khi đó một đoàn người sẽ theo người chủ lễ đi đến cầu thang từng nhà, hát cầu cúng và rưới tiết vào chân cầu thang để cầu may cho nhà chủ..
Sau đó cả buôn làng tập trung về nhà cộng đồng để ăn tiệc, uống rượu cần và nhảy múa trong không khí của lễ hội với âm vang cồng chiêng rộn rã.

%Hahalolo tin tức%
Lễ cúng Bến nước ( ảnh: internet )

5.5 Lễ đâm trâu

Lễ đâm trâu là một lễ hội lớn của người dân bản địa sinh sống tại Đắk Lắk nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng. Lễ hội đâm trâu có từ rất lâu ở các tỉnh Tây Nguyên, mang đậm dấu ấn văn hoá và phong tục của đồng bào các dân tộc trên cao nguyên này.

%Hahalolo tin tức%
Lễ đâm trâu ( ảnh: internet )

Lễ hội đâm trâu với biểu tượng “cây nêu thần” có ý tưởng mong muốn cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trở thành một nghi lễ độc đáo trong các ngày hội của buôn làng như lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng được mùa. Đó là những ngày hội thực sự mang những nét văn hoá truyền thống, thể hiện rõ yếu tố cộng đồng, tình yêu thiên nhiên, thần linh được gắn với nhau chặt chẽ, là sự kế tục truyền thống văn hoá xa xưa của người Tây Nguyên.
Lễ đâm trâu thường được tổ chức vào dịp mừng năm mới, mừng thu hoạch lúa hay mừng nhà rông và thu hút đông đảo bà con trong buôn tham gia. Vì lễ do một hoặc vài gia đình cùng đứng ra tổ chức nên đâm trâu là hoạt động quen thuộc đối với đồng bào và nó được gìn giữ đến tận ngày nay.
Gia chủ chuẩn bị rượu, gạo nếp, lá chia thức ăn, các loại rau quả từ trước rồi báo cho họ hàng, buôn làng biết về ngày giờ đâm trâu. Những người đến dự cũng mang rượu, gạo, rau quả đến góp với gia đình làm lễ.

5.6 Lễ mừng lúa mới

Lễ mừng lúa mới hay còn gọi là Tết cơm mới và Tết Hạ Nguyên, là lễ hội quan trọng nhất trong hệ thống các lễ hội cổ truyền của các dân tộc Việt Nam. Lễ mừng lúa mới đối với người dân tộc thiểu số cũng quan trọng giống như dịp Tết của người Kinh vậy.

%Hahalolo tin tức%
Lễ mừng lúa mới ( ảnh: internet )

Lễ cúng được tổ chức hàng năm, với mục đích mừng mùa màng thuận lợi và để cúng tạ các vị thần đã giúp dân làng được mùa. Tùy theo từng dân tộc, các tổ chức sẽ có những đặc điểm riêng khác nhưng điểm chung thường thấy là các lễ hiến tế, ăn cơm mới…
Thường được tiến hành sau khi kết thúc vụ mùa vào ngày 10 tháng 10 Âm lịch.

5.7 Lễ bỏ mả

Là một lễ hội truyền thống ở Đắk Lắk và Tây nguyên. Lễ bỏ mả là dịp sinh hoạt văn hóa cổ truyền tổng hợp đặc sắc của các tộc người Tây Nguyên (tây nam Trung bộ Việt Nam), bao gồm nhiều hoạt động như:
– Hiến tế bằng súc vật
– Lễ cúng và chia của cải cho người đã khuất
– Trình diễn âm nhạc, múa, trò rối và mặt nạ
– Ẩm thực cộng đồng

%Hahalolo tin tức%
Lễ bỏ mả ( ảnh: internet)

6. Những món ăn hấp dẫn

6.1 Bún đỏ

Sở dĩ món ăn có tên bún đỏ bởi cái màu đỏ đặc trưng của nước dùng làm nên bát bún này. Với sự kết hợp của các nguyên liệu như gạch cua, trứng cút, rau ăn cùng…bát bún đỏ thực sự sẽ chinh phục được mọi thực khách. Bạn có thể tìm đến ăn bún đỏ tại các quán vỉa hè góc đường Lê Duẩn, Phan Đình Giót…

%Hahalolo tin tức%
Bún đỏ ( ảnh: internet )

6.2 Bún giò chìa

Món bún giò chìa có nước dùng khá giống với món bún bò Huế tuy nhiên, nguyên liệu làm nên bún đậm chất Tây Nguyên sẽ là điểm khác biệt khiến bạn ăn một lần nhớ mãi. Người dân nơi đây sử dụng phần tảng thịt phía chân sau của con lợn đem rửa sạch rồi mới ninh nhừ. Khi có khách đến, chủ quán sẽ đem thả từng khúc giò vào nồi nước dùng đang nóng trên bếp rồi mới cho vào tô bún. Một số địa điểm để bạn có thể thưởng thức món bún này là đường Nguyễn Tất Thành, Tản Đà, đường YBih Aleo, góc Bà Triệu – Hùng Vương…

%Hahalolo tin tức%
Bún giò chìa ( ảnh: internet )

6.3 Bò nhúng me

Món ăn này được nhận xét là món ăn khiến bạn ăn mãi không chán với vị chua chua, ngọt ngọt của nước me khi ăn kèm thịt bò thái mỏng thêm tỏi phi. Nó có nét từa tựa bánh mì chảo với những miếng thịt bò đặt trên một cái khay nóng kèm nước sốt me chua ngọt. Bò nhúng me mà ăn cùng bánh mì thì thực khách chắc chắn sẽ rất thích thú, vị ngon kích thích vị giác này hứa hẹn sẽ làm hài lòng cả những người kỹ tính nhất trong ăn uống.

%Hahalolo tin tức%
Bò nhúng me ( ảnh: internet )

6.4 Canh chua cá lăng

Cá lăng là một món cá rất nổi tiếng ở Buôn Ma Thuột nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Canh chua cá lăng là một món ăn ngon miệng vừa chua chua lại có vị ngon của cá, hơn nữa, nó có tác dụng giải nhiệt rất tốt trong những ngày nắng nóng mùa hè. Một địa chỉ để ăn món canh chua cá lăng nổi tiếng chính là nhà hàng DakMe tọa lạc ở số 143 Ngô Quyền.

%Hahalolo tin tức%
Canh chua cá lăng ( ảnh: internet )

6.5 Thịt nai

Thịt nai giờ là món ăn đặc sản và cũng hầu như là chỉ Tây Nguyên mới có. Thịt nai được cho là ít mỡ, thịt mềm, ngon hơn cả bê được phục vụ trong hầu hết các nhà hàng ở núi rừng Tây Nguyên. Nai chế biến được thành rất nhiều món ăn ngon mà chỉ nghe tên thôi là bạn đã thấy bụng sôi sục rồi như nai nướng, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán, nai khô…

%Hahalolo tin tức%
Thịt nai ( ảnh: internet )

7. Gợi ý một số khách sạn tại Đắk Lắk

  • Khách Sạn Dakruco
    Địa chi: 30 Nguyễn Chí Thanh, Tân An, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
  • Sai Gon Ban Me Hotel
    Địa chỉ: 01 – 03 Phan Chu Trinh, Tân Tiến, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
  • Khách sạn Hai Bà Trưng
    Địa chỉ: 8 Hai Bà Trưng, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
  • Legend Coffee Resort
    Địa chỉ: 149 – 153 Lý Thái Tổ, Tân Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
  • Khách Sạn Hoàng Lộc
    Địa chỉ: 07 – 09, Ybih Aleo, Thắng Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

Nếu đã quá mệt mỏi với phố thị ồn ào, hãy thử đổi gió lên Đắk Lắk tìm cho mình những âm vang đại ngàn – nơi núi rừng hòa quyện với con người, bản sắc và những điều thú vị đang chờ đón bạn. Cảm ơn bạn đã xem bài viết trên Hahalolo.

Xem thêm nhiều bài review và chia sẻ kinh nghiệm du lịch
trên Hahalolo – Mạng xã hội du lịch của Việt Nam TẠI ĐÂY.

Nguồn: Hahalolo tổng hợp