Nhìu Cồ San tọa lạc ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ngọn núi này đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Hành trình chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San tuy khó khăn những chắc chắn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Đừng quên tham khảo lịch trình và kinh nghiệm đi leo núi trekking nhìu Cồ San chi tiết dưới đây nhé!
Nhìu Cồ San ở đâu? Điều cần biết về núi Nhìu Cồ San
Nhìu Cồ San thuộc xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nơi đây cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng chừng 60km, chính vì vậy nhiều người thường lựa chọn ghé tới Sapa sau đó di chuyển đến Nhìu Cồ San.
Độ cao của núi Nhìu Cồ San
Nhìu Cồ San là ngọn núi cao thứ 9 của Việt Nam, cao 2.965m so với mực nước biển. Nhìu Cồ San vốn nổi tiếng là một cánh rừng già với đầy đủ các loại gỗ quý hàng trăm năm tuổi, nhiều nương thảo quả xanh tốt. Leo Nhìu Cồ San không quá khó nhưng cũng chẳng dễ dàng nếu bạn là người mới bắt đầu leo núi.
Lý giải tên gọi Nhìu Cồ San
Theo như tiếng dân tộc H’mông thì Nhìu Cồ San có nghĩa là sừng trâu. Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi khi nhìn từ xa bạn sẽ thấy Nhìu Cồ San có 2 đỉnh chĩa ra và uốn cong giống như chiếc sừng trâu vậy đó!
Bên cạnh đó còn có thêm nhiều những lý giải khác như Nhìu Cồ San trong tiếng Hà Nhì còn có ý nghĩa là ba ngọn núi to.
Đường đi đến Nhìu Cồ San
Để đến Nhìu Cồ San, bạn có thể di chuyển đến Lào Cai hoặc Sapa.
Nếu chọn di chuyển đến Lào Cai: Từ Hà Nội, có nhiều chuyến xe đêm đến Lào Cai. Thời gian di chuyển mất khoảng từ 5 đến 8 tiếng. Có mặt ở Lào Cai buổi sáng, bạn tiếp tục thuê xe để đi đến bản Sàng Ma Sáo, khoảng 60km. Bạn cũng nên hẹn với người dẫn đường (porter) tại địa điểm này.
Nếu chọn di chuyển đến Sapa: Xuất phát từ Hà Nội thì bạn có thể lựa chọn di chuyển đển Sapa. Bạn có thể lựa chọn xe giường nằm hoặc tàu hỏa. Sau đó từ Sapa, bạn có thể thuê xe máy hoặc xe hơi để đến bản Sàng Ma Sáo, cách 16km để gặp mặt với người dẫn đường.
Nếu bạn là phượt thủ hoặc muốn trải nghiệm cảm giác đi đường dài để ngắm nhìn không gian, thì xe máy là sự lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, bạn sẽ cần cân nhắc nhiều điều khi quyết định đi xe máy. Ngoài đoạn đường di chuyển xa, bạn có thể gặp nguy hiểm trên đường đi. Vì vậy, xe đêm là lựa chọn di chuyển lý tưởng nhất để bạn có sức leo núi.
Nên đi Nhìu Cồ San thời điểm nào?
Khí hậu ở Nhìu Cồ San giống như ở xứ ôn đới vậy đó. Dù là mùa đông hay mùa hè thì nhiệt độ tại đây cũng sẽ thấp hơn so với những nơi khác. Đặc biệt, một “đặc sản” chính ở Nhìu Cồ San chắc chắn phải nhắc đến chính là sương mù.
Đừng quá ngạc nhiên khi trong suốt hành trình leo núi bạn thường xuyên thấy mây phủ và sương mù từ chân núi lên tới đỉnh nhé! Theo như kinh nghiệm đi Nhìu Cồ San của nhiều người trước đây thì thời điểm lý tưởng nhất để bạn bắt đầu hành trình chính là từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Đi trekking lúc này bạn còn được chiêm ngưỡng khung cảnh những loài hoa rừng đang đua nhau khoe sắc. Điều thú vị nhất có lẽ chính là bạn sẽ có cơ hội săn mây và chiêm ngưỡng toàn cảnh Nhìu Cồ San tuyết phủ trắng xóa đó.
Nhìu Cồ San có gì hấp dẫn?
Không phải ngẫu nhiên Nhìu Cồ San lại được nhiều người yêu thích đến vậy. Nhìu Cồ San không chỉ được biết đến là một trong các đỉnh núi cao nhất Việt Nam mà quan trọng hơn là bởi nơi đây sở hữu cho mình những vẻ đẹp của núi rừng mà bạn khó có thể tìm thấy ở nơi nào.
Tận hưởng khí hậu ôn đới quanh năm
Theo Wikipedia, một điều khá thú vị ở huyện Bát Xát chính là khí hậu chia thành 2 vùng rõ rệt. Nếu như ở vùng thấp là khí hậu nhiệt đới ẩm với 2 mùa nóng và lạnh thì ở vùng cao do ảnh hưởng của địa hình nên mang khí hậu cận nhiệt đới và ôn đới ẩm. Nhiệt độ trung bình cao nhất khoảng 16.6 độ C và thấp nhất là 14.3 độ C mà thôi.
Với lợi thế nằm ở vùng cao nên khí hậu ở Nhìu Cồ San thường mát lạnh quanh năm, đặc biệt vào những tháng cuối năm nhiệt độ còn rất lạnh. Cảm giác giống như bạn đang được đặt chân tới một vùng ôn đới nào vậy đó!
Chiêm ngưỡng khu rừng thủy tinh
Nhắc đến cái tên Nhìu Cồ San chắc chắn không thể bỏ qua khu rừng Thủy Tinh với những loài hoa mang trong mình hương sắc tuyệt đẹp. Càng đi sâu vào trong, nhiệt độ ngày càng xuống thấp. Và rồi, bạn sẽ bắt gặp một khu rừng thủy tinh. Nơi đây, tất cả mọi thứ đều được bao phủ bởi một lớp băng mỏng. Từ những giọt sương trên cành, đến các phiến lá, bông hoa với đủ màu sắc. Khung cảnh này sẽ khiến bạn cứ ngỡ như đang ở trong một câu chuyện cổ tích.
Để có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn cảnh sắc ở khu rừng Thủy Tinh này thì nhất định phải vào ghé tới vào những tháng mùa đông nhé! Chắc chắn khi ghé tới đây bạn sẽ thấy vô cùng thích thú và choáng ngợp trước cảnh sắc núi rừng Nhìu Cồ San cho xem!
Săn mây và săn tuyết trên đỉnh Nhìu Cồ San
Khi nói đến tuyết và băng giá chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến thị trấn Sapa thế nhưng thực chất Nhìu Cồ San mới chính là một địa điểm lý tưởng để bạn có thể thỏa thích săn mây và săn tuyết.
Nếu muốn săn mây bạn hãy tranh thủ dậy từ sáng sớm để chiêm ngưỡng khung cảnh những tia nắng đầu tiên trong ngày len lỏi qua tầng mây trôi bồng bềnh. Khi được đứng trên đỉnh núi bạn sẽ có cảm giác giống như đang được chạm tay vào mây vậy đó! Những khu rừng kì ảo ẩn hiện sau đám mây trôi đảm bảo sẽ “đốn gục” trái tim của bất kì người mê xê dịch nào.
Không những vậy, nếu bạn đi Nhìu Cồ San vào mùa đông sẽ còn được chiêm ngưỡng cảnh băng giá bao trùm khắp những tán lá cây rừng. Và nếu như may mắn hơn bạn còn được chứng kiến khung cảnh tuyết rơi tuy khắc nghiệt nhưng vô cùng lãng mạn đấy nhé!
Gợi ý hành trình trekking Nhìu Cồ San 2 ngày 1 đêm
Cung đường qua lối thác Ong Chúa và về bằng lối bãi thả dê thường được nhiều du khách chọn trekking Nhìu Cồ San nhé. Trong bài viết này, Hahalolo sẽ gợi ý hành trình trekking dựa theo cung đường này nhé!
Ngày 1: Bản Sàng Ma Sáo – Thác Ong Chúa – Đỉnh Nhìu Cồ San – Lán nghỉ
Sau khi di chuyển đến bản Sàng Ma Sáo để gặp người dẫn đường bạn sẽ phải làm thủ tục ở đồn biên phòng. Thủ tục rất đơn giản và mau lẹ. Bạn chỉ cần đóng 20.000 đồng và đưa chứng minh thư/ căn cước công dân để các anh biên phòng chụp lại. Sau đó tiếp tục lái xe đến bản Nhìu Cồ San. Những ngày trời mưa, đường vào bản sẽ trở nên khó đi và ngổn ngang nhiều đất đá. Hãy thật vững tay lái và cẩn thận là trên hết nhé.
Đến bản Nhìu Cồ San, người dẫn đường sẽ hướng dẫn bạn gửi xe và đồ đạc ở nhà người dân để bắt đầu hành trình. Khi leo lên qua thác Ong Chúa, bạn sẽ cần mua vé vào cửa với giá 20.000 đồng. Chặng đầu khá dễ dàng khi bạn được đi bộ tầm 1 tiếng qua thác Ong Chúa khá bằng phẳng. Không gian cây xanh tự nhiên cùng với thác nước trắng xóa, chắc chắn sẽ là một địa điểm chụp hình lý tưởng đấy!
Sau đó, bạn hãy tiếp tục hành trình của mình. Từ đây, đoạn đường lên đỉnh sẽ khó khăn hơn. Bữa trưa tuy đơn giản nhưng vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng để bạn có thể chinh phục được đoạn đường phía trước. Trên đường đi, bạn sẽ trông thấy được những thảm thực vật đa dạng. Từ khu rừng thảo quả đến những rặng trúc bạt ngàn. Nếu đi vào mùa hoa đỗ quyên thì bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh rừng hoa đỏ nở rộ tuyệt đẹp.
Đi thêm một đoạn, tùy vào tốc độ của đoàn, cả nhóm bắt đầu di chuyển xuống lán nghỉ trước lúc trời tối. Bạn có thể đến lán nghỉ vào tầm 2-4 giờ chiều.
Tại lán nghỉ, người dẫn đường sẽ chuẩn bị cho bạn bữa tối ngon miệng bằng những món nướng hấp dẫn. Sau bữa ăn, bạn có thể cùng các thành viên trong đoàn ngồi thư giãn, trò chuyện bên đống lửa trại rồi đi ngủ sớm để giữ sức cho hành trình ngày mai.
Ngày 2: Lán nghỉ – đỉnh Nhìu Cồ San – bãi thả dê – bản Nhìu Cồ San – Hà Nội
Sáng hôm sau, hãy dậy thật sớm để không bỏ lỡ trải nghiệm ngắm nhìn biển mây trên đỉnh Nhìu Cồ San nhé! Tiếp tục con đường chinh phục, từ lán nghỉ lên đến đỉnh phải trải qua nhiều con dốc cao khiến người leo dễ mất sức. Tuy nhiên, hãy nghĩ đến khung cảnh tuyệt vời đang chờ bạn ở trên cao mà hãy vững bước đi tiếp nhé.
Khi lên đến nơi, bạn sẽ thấy khung cảnh hùng vĩ trước mắt. Xen lẫn giữa biển mây bồng bềnh là các đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử, Ngũ Chỉ Sơn và Lảo Thẩn. Đừng quên chụp hình ở cột mốc độ cao để đánh dấu lại khoảnh khắc có được trải nghiệm đáng nhớ này nhé.
Sau khi thỏa thích chụp hình, hãy quay về lán nghỉ ngơi lấy sức và thu dọn đồ để quay về thôi nào. Đường đi xuống bạn sẽ đi qua bãi thả dê. Tuy ngắn hơn nhưng lối này có nhiều dốc hơn. Ngoài ra, bạn còn có thể bắt gặp những chú dê đang nhởn nhơ gặm cỏ. Nếu mệt, hãy ngồi nghỉ ngơi ở đây một lát. Đi tiếp một hồi, chẳng mấy chốc, bạn sẽ thấy bản Nhìu Cồ San ở trước mắt. Tại đây, bạn có thể chọn quay về Hà Nội hoặc tiếp tục hành trình khám phá các tỉnh Tây Bắc tiếp nhé.
Trên đây là tổng hợp những kinh nghiệm đi Nhìu Cồ San. Hy vọng với những thông tin mà mình cung cấp sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Chúc các bạn có một hành trình chinh phục Nhìu Cồ San – một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam thật hoàn hảo!
Hahalolo Team (tổng hợp).