Tín đồ ẩm thực không thể bỏ qua những món đặc sản này khi đến Yên Bái

Nhắc đến Yên Bái là nói đến mùa lúa chín ở Mù Cang Chải, ngoài ra còn phải kể những đặc sản là món ngon vô cùng độc đáo. Hãy cùng điểm qua mười món ăn nhất định phải thử khi đến mảnh đất núi non điệp trùng này nhé!

1. Thịt trâu gác bếp

Nói đến những món đặc sản của Yên Bái thì chắc chắn cái tên đầu tiên phải nhắc tới đó chính là thịt trâu gác bếp. Đây là một món ăn nức tiếng không chỉ của Yên Bái mà còn của rất nhiều tỉnh thành thuộc vùng núi Tây Bắc nước ta.

%Hahalolo tin tức%
Ảnh: honvietstore.vn

Thịt trâu gác bếp có ở nhiều vùng của Yên Bái nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng nhất phải nói đến thịt trâu của đồng bào Thái đen ở Nghĩa Lộ. Để làm được thịt trâu gác bếp ngon, người ta phải lựa chọn những miếng thịt nạc, săn chắc của những con trâu thả rông trên đồi. Công đoạn tẩm ướp gia vị cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ. Đặc biệt, trong số các gia vị không thể thiếu mắc khén rừng. Vào những ngày mùa đông lạnh giá, được ngồi bên bếp lửa hồng, thưởng thức miếng thịt trâu dai dai, bùi bùi quả là một trải nghiệm tuyệt vời đúng không nào.

2. Muồm muỗm rang

Ở Mường lò cứ đến cuối mùa gặt là muồm muỗm lại xuất hiện rất nhiều, muồm muỗm bay rào rào thành từng đàn, từng đàn, con nào con nấy to đều như ngón tay áp út. Có rất nhiều cách để chế biến món ăn ngon từ muồm muỗm. Song muồm muỗm rang giòn vẫn là đặc sản của Mường Lò vùng Tây Bắc.

%Hahalolo tin tức%
Ảnh: cungphuot

Để chế biến món muồm muỗm rang giòn phải qua 4 khâu cơ bản là “Vặt cánh, bẻ chân, ngắt đầu, rút ruột”. Xong khâu “làm lông”, muồm muỗm được rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào chảo. Đầu tiên, muồm muỗm được om với nước măng chua (hoặc giấm gạo) trên bếp lửa liu riu. Cạn nước, cho mỡ (hoặc dầu ăn) vào, đảo đều tay trên bếp to lửa; khi nào nghe tiếng nổ lách tách tức là muồm muỗm đã chín giòn, cho bột canh (hoặc nước mắm, hạt nêm…) vừa đủ cùng với mì chính, một chút ớt tươi và đảo nhanh tay; cuối cùng, cho lá chanh thái chỉ nhỏ vào, đảo đều chín tới lá chanh là bắc chảo ra được. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm, khi ăn ta có thể cảm nhận vị giòn tan, bùi béo, thơm nồng trong miệng, cảm giác thật tuyệt. Món muồm muỗm rang có thêm chén rượu ngô của đồng bào Mường Lò Yên Bái thì mới cảm nhận hết được hương vị của đặc sản núi rừng Tây Bắc.

3. Lạp xưởng Yên Bái

Có thể nói, làm lạp xưởng (lạp sườn) là bí quyết của người có nghề, vẫn thịt ba chỉ thái nhỏ, bột canh, hạt tiêu, mật ong, đường, rượu trắng…. nhưng cho cái nào trước, cái nào sau, thời gian tẩm ướp là bao nhiêu thì phải học. Làm lạp xưởng (lạp sườn) phải cẩn thận chú ý đến thời gian tẩm ướp, chú ý đến khâu củi lửa, không được đun to, không được để tắt bếp trong giai đoạn thịt lên men… nếu không lạp xưởng (lạp sườn) dễ bị chua, nhanh bị ôi, thối sau này.

%Hahalolo tin tức%
ảnh: internet

Nhiên liệu để sấy thịt và lạp xưởng (lạp sườn) cũng không đơn giản, phải là than hoa, bã mía, vỏ trấu, lá quế tươi, nếu là củi thì phải là thân cây quế, là thân tươi càng tốt. Theo giải thích của người làm nghề lạp xưởng (lạp sườn) thì nhiều người tham rẻ sấy bằng than tổ ong, rất độc hại; củi thì có rất nhiều loại gỗ chứa các chất độc, khói độc áp vào thịt sẽ có hại, nhất là gây đau bụng. Vì thế nhất thiết phải than hoa, hoặc củi quế.

Chế biến món ăn từ lạp xưởng (lạp sườn) rất đơn giản, chỉ cần rửa cho sạch, thái vát (miếng thái dày 0,3 đến 0,5cm) rồi cho vào rán qua là được.

4. Bánh Chưng Đen Mường Lò

Bánh chưng là món bánh truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ tết của người Việt. Và ở mỗi vùng miền người ta lại cùng sáng tạo ra nhũng món bánh chưng khác nhau. Người Thái cũng không ngoại lệ, cứ đến những ngày ngọn gió đông chớm thổi họ lại rục rịch gói bánh chưng. Nhưng món bánh của người Thái là thứ bánh chưng màu đen ngon bùi khác lạ hơn cả.

Bánh chưng đen Mường Lò có hình dạng khác với bánh chưng miền xuôi. Các vị bô lão kể lại rằng vì muốn gắn kết hai dân tộc Thái với Khơ- mú nên đã tạo ra loại bánh này. Hai chiếc bánh như đôi bàn tay úp vào nhau tạo thành một chiếc bánh chưng đầy ý nghĩa.

%Hahalolo tin tức%
Ảnh: Du lịch

Nếp phải là thứ hạt ngọc quý giá ở Tú Lệ. Lá dong xanh mướt và cắt bỏ gân lá cho dễ gói. Phần nhân thì vẫn bao gồm đậu xanh, thịt ba chỉ nhưng phần nếp được thêm vào mè đen. Đây cũng là nguyên liệu khiến món bánh chưng đen bùi béo khó cưỡng.

Ở khâu nhuộm đen hạt nếp, người ta dùng than cây núc nác. Phải trộn thật đều tay đến khi miết thật mạnh mà hạt nếp không phai màu thì xem như việc tạo màu đã hoàn tất. Rồi cùng nhau ngồi canh suốt đêm bên nồi bánh người ta như quên đi bao mệt nhọc ngày mùa. Từng cặp bánh sau khi vớt ra được treo lên cao cho ráo nước và không bị mốc.

Thưởng thức bánh chưng đen là sự hòa quyện giữa cái dẻo thơm của nếp, cái béo bùi của thịt, đậu xanh và mè đen, cả cái vị mộc mạc của núc nác và lá dong khiến miếng bánh cứ chần chừ nơi đầu lưỡi người ăn.

5. Măng sặt

Măng sặt có nhiều ở các địa phương, nhưng không phải nơi nào măng cũng ngon, có lẽ Yên Bái là mảnh đất có thổ nhưỡng và khí hậu hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây măng. Chẳng thế mà măng sặt Yên Bái đã trở thành món ăn được nhiều thực khách sành ăn bình chọn là món ngon và hấp dẫn nhất.

Măng sặt được mùa nhất là vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 dương lịch, thời gian vụ măng ngắn chỉ từ tháng 3 đến tháng 4 hàng năm. Loại măng này thuộc họ tre, thân nhỏ rất thẳng, búp măng to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm và ngọt, mọc tự nhiên. Loại măng này có nhiều tại các vùng đồi thuộc huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, nhưng nhiều nhất là ở thị xã Nghĩa Lộ.

%Hahalolo tin tức%
ẢNH: INTERNET

Măng sặt có vị ngọt và mềm, dễ để chế biến các món ăn, phù hợp với khẩu vị của nhiều người, măng sặt ăn ngon nhất khi ngọn măng mới nhú mập mạp, thân mầu trắng còn tươi nguyên mùi đất rừng. Chọn được những cây măng ngon thì cần biết cách chế biến để có những món ăn ngon hấp dẫn nhất. Măng sặt có thể chế biến được rất nhiều các món ăn như: món luộc, món om, món xào, món nướng…

Măng sặt luộc chín, đem rán vàng rồi om với thịt vịt và tỏi, ăn nóng với hạt tiêu, hành, mùi rất lạ miệng. Măng sặt chẻ nhỏ, ngâm với dấm ớt, ớt phải nhiều và cay, đóng lọ ăn dần cũng rất đưa cơm và ngon miệng.

6. Chè Shan Tuyết Suối Giàng

Truyền thuyết của người H’Mong kể lại rằng thuở đất trời còn chưa phân định. Một sáng nọ nàng tiên xinh đẹp hạ giới gieo xuống vùng đất này thứ hạt mầm kỳ lạ. Càng lớn cây càng tươi tốt với tán xòe rộng, lá to gần nửa bàn tay còn búp thì ngậm đầy sương trắng muốt như tuyết. Ngày nọ một tốp người di cư đến lại gặp đợt dịch bệnh. May nhờ thứ nước thần thánh từ lá cây này với nước suối mà khỏi bệnh. Họ đặt tên cho nơi kỳ lạ này là suối trời tức Suối Giàng. Từ đó người ta vẫn truyền miệng nhau về thứ chè Shan Tuyết kỳ diệu này.

Ngày nay chè Shan Tuyết có mặt ở khắp nơi nhưng chỉ có ở Suối Giàng mới là nơi có nhiều cây với tuổi đời hàng trăm năm. Những cây chè cổ thụ tuổi từ 100 -300 năm là nét ấn tượng thu hút du khách mỗi khi ghé thăm Suối Giàng. Từng cành cây to lớn vươn mình ra đón nắng gió giữa trời. Những búp xanh e ấp phủ đầy sương đang e ấp chờ tay người hái.

%Hahalolo tin tức%
Ảnh: Lê Bích

Hình ảnh những chiếc váy hoa thoắt ẩn thoắt hiện trên những cành to, uốn lượn như một bức tranh tuyệt làm du khách chùng mãi đôi chân không muốn bước đi.

Chè Shan Tuyết càng già càng phủ trắng thì càng quý. Cũng bởi thứ đặc sản quý giá này mà khâu chế biến cũng phải thật cẩn trọng. Khi sao trà phải thuần thục đôi tay để không rớt mất tuyết trắng. Đến khi săn lại bằng hạt đậu xanh áp bên ngoài lớp áo trắng tinh thì công đoạn xem như hoàn tất.

Ấm chè Shan Tuyết nghi ngút khói với thứ nước vàng óng ánh cũng là một khâu chọn lọc pha trà thật kỹ càng.  Phải là loại ấm đất nung già, nước lấy từ trên núi sôi đúng độ mới mong mang lại một tách chè Shan Tuyết đúng vị. Chao nhẹ làn khói mỏng rồi nhấp môi ngụm chè mới thấy được vị thanh tao, vị ngọt thơm dừng lại cả hàng giờ mà không hề vơi đi.

7. Xôi và cốm tan Tú Lệ

Thung lũng Tú Lệ thuộc phía Tây của tỉnh Yên Bái, Tú Lệ cái tên đã nói phần nào vẻ đẹp nơi đây. Tú Lệ mùa nào cũng đẹp, khi lúa non, từ trên đèo cao nhìn xuống, thung lũng Tú Lệ như thảm cỏ xanh mướp, mùa lúa chín đây đúng là một thung lũng vàng và hơn thế hương thêm từ thứ nếp nổi tiếng có thể làm bạn “say” nơi đây chẳng muốn về.

%Hahalolo tin tức%
ảnh: internet

Nếp tan là thứ gạo nếp rất nổi tiếng, người ta ví, khi đồ thứ gạo này có thể hương thơm bay xa vài trăm mét, bản trên, xóm dưới đều có thể hưởng hương thơm. Vào đầu mùa thu hoạch (khoảng tháng 4 và tháng 10 hàng năm), may mắn, bạn sẽ được thưởng thức cốm Tú Lệ ngon chẳng kém gì cốm Làng Vòng nức tiếng ở Hà Nội.

8. Mật ong nhãn Văn Chấn

Cuối tháng 4, từ thành phố Yên Bái bầu trời nặng nước từ sau tết khiến cả vùng đầy ẩm ướt và nồm nhưng vượt qua đèo Ách, nắng bừng lên làm lòng người rộn rã. Hoa nhãn đã nở rộ dọc Quốc lộ 32, ong lấy mật mùa này đủ mật ngọt… Với diện tích hàng ngàn ha trồng nhãn, khu vực Văn Chấn, Nghĩa Lộ là địa điểm khá lý tưởng để thưởng thức hương vị mật ong nhãn.

%Hahalolo tin tức%
ảnh: internet

Không giống như một số loại mật ong để lâu bị đóng đường nguyên nhân vì gặp phải thời tiết mưa gió, ong không đi kiếm ăn được, người nuôi phải cho ong ăn đường nên lứa đầu tiên trước mùa hoa sẽ có thành phần đường trong đó. Mật ong hoa nhãn Văn Chấn là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên được những chú ong hút mật từ hoa nhãn chuyển hóa thành nên có mùi thơm đặc trưng, rất giàu năng lượng, nhiều vitamin. Thành phần chủ yếu trong mật ong là các loại đường đơn như: Glucô, Lêvulôse … dễ hấp thụ, các loại men cần thiết như: AMILASE, LIGASE… các loại vitamin nhóm D, B, K, E, C… và nhiều các khoáng chất tốt cho sức khoẻ.

9. Táo mèo Mù Cang Chải

Vùng núi miền Tây Yên Bái không chỉ nổi tiếng với tầng tầng, lớp lớp ruộng bậc thang đã được xếp hạng danh thắng quốc gia, với những trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, những điệu xòe của những cô gái Thái, những điệu khèn của các chàng trai Mông hay chè Shan tuyết suối Giàng sóng sánh, mà nơi đây còn nổi tiếng với một loại quả rừng vừa mang hương vị đậm đà vừa là vị thuốc quý cho sức khỏe đó chính là Sơn tra (tên gọi khác là quả Táo mèo).

%Hahalolo tin tức%
ảnh: internet

Sơn tra là một loài cây rất khoẻ, phát triển tự nhiên trên những cánh rừng, cũng có thể sống ở khe núi, nơi khô hạn, thiếu đất, cành có nhiều gai sắc, chiều cao trung bình 7 – 10m, thân gỗ, tán lá rộng. Sơn tra ra hoa vào cuối mùa xuân (tháng 3 – 4) và cho thu hái quả vào mùa thu. Tháng 9, tháng 10 là tháng quả sơn tra chín rộ. Những quả sơn tra ngon là những quả nhỏ, có mầu hồng trắng hoặc vàng trong, hơi dẹt, khi gọt không có cảm giác sít tay, khi ăn táo có vị ngọt, giòn, hơi chua và chan chát (vì vậy có nơi còn gọi là quả chua chát) với mùi thơm hấp dẫn.

Xem thêm nhiều bài review và chia sẻ kinh nghiệm du lịch
trên Hahalolo – Mạng xã hội du lịch của Việt Nam TẠI ĐÂY.

Nguồn: Hahalolo tổng hợp