Gần 2 triệu du khách tham gia “Tuần lễ Vàng” tại Tây Tạng

Với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hơn 23.300 di sản văn hoá cùng những phong tục tập quán đặc sắc, khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc) luôn có sức hút lớn với cả du khách nội địa và quốc tế.

%Hahalolo tin tức%
khung cảnh thiên nhiên hoang sơ ở Tây Tạng

Tây Tạng trong suy nghĩ của nhiều người là một vùng đất du mục với những thảo nguyên xanh mướt rộng lớn. Đây thực sự là một vùng đất kỳ bí, là mái nhà thế giới và là vùng đất tín ngưỡng của những tín đồ Phật giáo hiện nay. Hình ảnh đàn bò Yak ung dung gặm cỏ bên những triền đồi, những hồ nước yên tĩnh và bầu trời trong xanh mang đến cho du khách cảm giác thư thái nhưng lại hứa hẹn một chuyến phiêu lưu đầy bí ẩn.

Ngoài ra, Tây Tạng còn là một trong những điểm đến nổi tiếng của nhiều hành khách và đặc biệt hơn là trong “Tuần lễ vàng” tháng 10 hằng năm.

Dịp Tuần lễ Vàng tháng 10 năm nay do trùng với Trung Thu và Quốc khánh Trung Quốc, nên người dân được nghỉ thêm 1 ngày thành 8 ngày.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, nhu cầu du lịch tới các điểm đến như Lhasa – Thủ phủ của Tây Tạng lại gia tăng đột biến, phản ánh xu hướng đi nghỉ kiểu “ở ẩn” tại những vùng xa xôi vẫn tiếp tục.

%Hahalolo tin tức%
Ngay cả khi tới Tây Tạng vào mùa đông, du khách vẫn được hưởng khá nhiều ánh nắng mặt trời.

Bên cạnh đó, nhằm khôi phục lại nền kinh tế, quan chức nước này bắt đầu thúc đẩy nhu cầu bị dồn nén của người dân bằng chiến dịch được mô tả là “du lịch trả thù đại dịch”.

“Mọi người đang đi du lịch để báo thù!”, Huo Binxing, một nhân viên ngân hàng từ Bắc Kinh đang trên đường đến Lhasa – Tây Tạng, cho biết. “Đây là cơ hội đầu tiên để thư giãn sau một khoảng thời gian quá đỗi căng thẳng”.

Theo cơ quan du lịch Tây Tạng, trong Tuần lễ Vàng năm nay vừa kết thúc hôm 8/10, khu tự trị nằm ở phía tây nam Trung Quốc này đã đón 1,88 triệu du khách trong nước và quốc tế với doanh thu tổng thể về du lịch 979 triệu Nhân dân tệ (khoảng 146 triệu USD) – đạt tăng trưởng 2 con số cả về lượt du khách và doanh thu chỉ trong 7 ngày đầu tiên so với Tuần lễ Vàng cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường du lịch Tây Tạng cũng cho thấy những xu hướng mới với du khách nội địa. Đó là các chuyến đi ngắn trong ngày hoặc các tour tự lái tới những vùng nông thôn và lưu trú theo hình thức homestay đã trở nên phổ biến hơn.

Thủ phủ Lhasa thường là điểm đến đầu tiên của các chuyến du lịch Tây Tạng, vì thành phố này kết nối với hầu hết thành phố du lịch của Trung Quốc bằng cả đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ.

Đặc biệt cả 3 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận ở Tây Tạng đều tập trung tại Lhasa gồm: Cung điện Potala, cung điện Norbulingka và Jokhang Temple (chùa Đại Chiêu). Đây là những điểm nhấn nổi bật trong hành trình tham quan Tây Tạng với mọi du khách.

%Hahalolo tin tức%
Cung điện Potala  là một cung điện nằm ở Lhasa, khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc.

Nhờ tăng cường các nỗ lực kích thích du lịch để thu hút thêm nhiều du khách tới Tây Tạng trong những năm qua, khu vực này đã đón hơn 40 triệu du khách năm 2019, bao gồm khoảng 500 ngàn người từ nước ngoài, đạt doanh thu gần 56 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 8,2 tỷ USD) từ du lịch.

Hơn 100 ngàn nông dân và người chăn nuôi gia súc tham gia làm du lịch đã cải thiện được cuộc sống.

Và bất chấp tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 vẫn có 8,33 triệu lượt du khách đến Tây Tạng trong nửa đầu năm nay. Kể từ tháng 3 hơn 300 danh lam thắng cảnh tự nhiên đã được mở cửa trở lại cho du khách.

Gần đây nhiều hoạt động giải trí đã được khởi động như: Lễ hội du lịch và văn hoá hoa đào ở quận Nyingchi, nơi có tu viện Buchasergyi Lakang nổi tiếng.

Hahalolo Tổng hợp