Chợ nổi Cái Răng là một trong những địa điểm góp phần quan trọng vào sự phát triển du lịch của thành phố Cần Thơ. Hiện du lịch Cần Thơ đang vực dậy sau dịch Covid-19 bằng chính thực lực, chất lượng sản phẩm để níu chân du khách; và Chợ nổi Cái Răng được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược này. Vậy làm sao để có thể bảo tồn và phát triển điểm du lịch này?
Chiều 15-10, Ban chỉ đạo phát triển du lịch TP Cần Thơ tổ chức hội thảo “Làm gì để bảo tồn chợ nổi Cái Răng”.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ cho biết: “Chợ nổi Cái Răng có ý nghĩa sống còn đến sự phát triển du lịch của thành phố, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng; khẳng định được hình ảnh và thương hiệu của chợ nổi đến du khách trong nước và quốc tế”.
Ông Tùng cho biết thêm: “Có trên 70% du khách du lịch đến Cần Thơ đi chợ nổi Cái Răng vì nơi đây chứa đựng tập quán sinh hoạt rất đặc trưng của người dân các địa phương vùng sông nước đã tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc của ĐBSCL”.
Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều nhận định cho rằng du lịch chợ nổi Cái Răng chưa phát triển đúng tầm và đang đứng trước nguy cơ mai một. Song trên thực tế, dù có giảm sút nhưng hiện mỗi ngày chợ nổi Cái Răng vẫn có từ 250 – 300 ghe tàu mua bán sỉ hàng nông sản; khoảng 30 ghe nhỏ mua bán lẻ trái cây, ẩm thực địa phương. Vào giờ cao điểm, có trên 200 lượt tàu đưa đón du khách tham quan…Qua đó tạo điểm nhấn, thu hút đầu tư cho các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và các dịch vụ vui chơi giải trí khác ở Cần Thơ.
Có mặt tại Hội nghị, PGS-TS Lưu Thanh Đức Hải, Phó Trưởng Khoa kinh tế, ĐH Cần Thơ,cho rằng lãnh đạo địa phương phải tâm huyết, tự hào về báu vật chợ nổi Cái Răng thì mới khuyến khích được người dân tham gia.
Chợ nổi Cái Răng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Di sản tức là “quý và hiếm” nhưng nếu chỉ quý và hiếm mà ta không biến nó thành độc và lạ thì không hấp dẫn với du khách.
Do vậy, ông Hải cho rằng cần tạo cơ chế mời gọi đầu tư để duy trì bảo tồn di sản này. Tuy nhiên, việc đầu tư phải mang tính liên kết theo chuỗi với nhau chứ mạnh ai nấy làm kiểu cục bộ thì không giải quyết được…
Song song đó, các đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng: Với đặc tính tự nhiên, chợ nổi Cái Răng sinh ra là để mua bán, chứ không có nhiệm vụ phục vụ du lịch.
Vì vậy, mục tiêu tối cao là phải bảo tồn hoạt động giao thương và văn hóa chợ nổi. Nếu bảo tồn hiệu quả, ắt sẽ trở thành sản phẩm du lịch chợ nổi bền vững.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng “Cần tiếp tục thực hiện đề án bảo tồn chợ nổi Cái Răng nhưng nên theo hướng mở, có sự điều chỉnh, nhìn nhận lại và tìm hướng đi mới. Đồng thời, xác định sự can thiệp, hỗ trợ của nhà nước đến chừng mực nào, để không gây xáo trộn hoạt động giao thương, không mất đi tính nguyên sơ của chợ nổi”
“Trong bảo tồn văn hóa chợ nổi, cần nghiên cứu, có cách tái hiện tiếng rao hàng, lối hò đối đáp trên sông, đờn ca tài tử trên ghe thương hồ. Việc tái hiện phải đúng với chất gốc chợ xưa, hòa trong bối cảnh chợ nổi ngày nay. Mạnh dạn thử nghiệm mô hình du lịch đường sông Cần Thơ, gắn với chợ nổi Cái Răng về đêm, như một cách làm kinh tế đêm trên sông nước”, ông Nhâm Hùng đề xuất.
Ngoài những thông tin chia sẻ trên, tại hội thảo, nhiều hạn chế đã được chỉ ra: Công tác bảo vệ môi trường còn bất cập, điều kiện sinh sống của thương hồ còn khó khăn; công tác thu hút đầu tư chưa hiệu quả, sản phẩm và dịch du lịch chưa phong phú, đa dạng, nên chi tiêu của khách du lịch tại đây còn rất ít, khách chủ yếu tham quan, chụp ảnh là chính…
Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Thời gian tới, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về du lịch, đặc biệt là với người dân chợ nổi Cái Răng. Đồng thời, hướng dẫn, tập huấn người dân kiến thức, kỹ năng làm du lịch, tạo sinh kế cho người dân từ hoạt động du lịch tại chợ nổi.
Thống kê các hộ sinh sống trên chợ nổi; khảo sát về nhu cầu nước sạch, điện sinh hoạt, nhà vệ sinh cũng như các điều kiện thiết yếu khác.
Rà soát , xây dựng sản phẩm và dịch vụ du lịch có chất lượng, gắn với đời sống thương hồ, tạo sinh kế cho người dân; đặc biệt quan tâm cảnh quan môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và phải bảo đảm an toàn, an ninh trật tự kể cả quản lý về giá cả.
Với vai trò rất quan trọng trong sự phát triển du lịch của Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Do đó, thực hiện công tác bảo tồn chợ nổi và văn hóa chợ nổi Cái Răng luôn là mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên. Đây cũng là cách lưu giữ một phần lịch sử, đặc trưng văn hóa sông nước miền Tây, gắn kết phát triển du lịch. Trong thời đại mới, việc bảo tồn phải đảm bảo sự đồng thuận và hài hòa lợi ích của cả giới thương hồ – nhà nông – du khách – nhà nước; có cách làm mới, nhưng không phai nhạt giá trị truyền thống của chợ nổi Cái Răng.
Hahalolo Tổng hợp