Đắk Lắk dần chuyển đổi sang du lịch thân thiện với voi

Trong thời gian vừa qua, trước thực trạng đàn voi nhà bị giảm sút nhanh về số lượng và xung đột giữa người – voi xảy ra ngày càng nhiều, tỉnh Đắk Lắk đã chủ trương chuyển đổi từ du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Chủ trương này đang được khách du lịch và các tổ chức, đơn vị tích cực hưởng ứng.

%Hahalolo tin tức%
nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động cưỡi voi trong du lịch nên được bỏ hẳn


Cùng với cây cà phê, voi đã tạo nên bản sắc riêng, độc đáo, ấn tượng, thu hút lượng lớn du khách đến với Đắk Lắk trong thời gian qua, góp phần trong việc tạo dựng hình ảnh, bản sắc văn hóa đặc thù của tỉnh Đắk Lắk trong lòng du khách.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng voi nhà của tỉnh Đắk Lắk suy giảm với tốc độ nhanh. Năm 1980, số lượng voi nhà của tỉnh Đắk Lắk có 502 con, năm 1998 còn 166 con và hiện nay chỉ còn 44 con, đang được nuôi dưỡng trong nhà dân ở hai huyện Buôn Đôn và Lắk.

Được biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến đàn voi nhà suy giảm như: Voi già yếu dần; bị săn bắn trộm, mua bán, trao đổi, môi trường sống chật hẹp, khu vực nuôi voi nhà chưa quy hoạch việc trồng, tạo nguồn thức ăn bền vững cho voi… và một nguyên nhân không nhỏ đó là việc khai thác quá sức của voi nhà trong hoạt động kinh doanh du lịch.

Bên cạnh đó, tình trạng xung đột giữa voi nhà và người trông coi, giữa voi với voi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của du khách xảy ra trong thời gian gần đây đòi hỏi tỉnh Đắk Lắk phải nghiên cứu, thực hiện mô hình du lịch thân thiện với voi để bảo vệ khách du lịch và bảo tồn voi.

“Nhiều du khách đến với huyện Buôn Đôn nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung xuất phát từ một bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn”, Anh Nguyễn Xuân Thủy, du khách đến từ xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ.

Ngoài ra, anh Thủy còn cho biết, tỉnh Đắk Lắk có thể tham khảo và học hỏi mô hình làm du lịch với voi của nước Thái Lan, kinh doanh du lịch theo hướng tạo ra tương tác thân thiện giữa du khách và voi, còn hoạt động cưỡi voi trong du lịch nên được bỏ hẳn. Đây là mô hình du lịch rất hay với các hoạt động như khách du lịch cho voi ăn, voi đá bóng hoặc voi chạy đua để khách du lịch đứng xa ngắm nhìn.

Một khía cạnh khác là công tác bảo tồn đàn voi nhà ở tỉnh Đắk Lắk đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là hơn 30 năm nay, đàn voi nhà của tỉnh Đắk Lắk chưa có con nào sinh sản thành công. Chính vì vậy, chuyển đổi từ du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi cũng là giải pháp hữu hiệu để vừa bảo tồn đàn voi nhà, vừa giúp đàn voi tăng khả năng sinh sản thành công.

Theo Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam, trong những năm qua, đàn voi nhà của tỉnh Đắk Lắk chủ yếu dùng trong hoạt động du lịch. Khi đàn voi bị khai thác quá mức sẽ dẫn đến không sinh sản được vì không đủ thời gian nghỉ ngơi và nguồn dinh dưỡng không trọn vẹn.

Mặt khác, bản chất của voi là động vật hoang dã, có những thời điểm voi bộc phát bản chất động vật hoang dã, con người không biết trước được, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho con người. Do đó, cần chính thức bãi bỏ du lịch cưỡi voi, chuyển sang du lịch thân thiện với voi để tạo môi trường, điều kiện sống tốt cho voi sinh sản và phát triển.

Tiến sĩ Tuấn Bendixsen cho biết thêm, bên cạnh gói hỗ trợ hơn 60.000 USD cho tỉnh Đắk Lắk để bảo tồn voi (giai đoạn 2019 – 2021), Tổ chức Động vật Châu Á còn có những chuyên gia nước ngoài về chăm sóc, huấn luyện, phúc lợi, sinh sản cho voi. Đồng thời, các chuyên gia này luôn sẵn sàng tình nguyện sang Việt Nam ở một thời gian dài để giúp Việt Nam duy trì đàn voi.

%Hahalolo tin tức%
Du khách chụp ảnh kỷ niệm với voi 

Thực tế từ năm 2018 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai Dự án mô hình du lịch thân thiện với voi tại vườn Quốc gia Yok Đôn, do Tổ chức Động vật Châu Á phối hợp với Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk thực hiện. Dự án có các hoạt động như thả đàn voi về rừng để quan sát, học tập những tập tính và bản năng của voi.

Theo ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, để mô hình du lịch thân thiện với voi thành công, cần thay đổi nhận thức của các chủ voi và cách làm du lịch từ voi. Trong lễ hội, có thể làm hình nộm voi thực hiện các hành vi của voi.

Trong du lịch, cần thả voi trong môi trường tự nhiên để du khách quan sát hành vi của voi. Hơn nữa, bản thân du khách khi đến với Đắk Lắk cũng cần nhận thức lại, đừng vì sở thích mà tiếp cận voi trong cự ly không an toàn, không có người hướng dẫn hoặc có mong muốn cưỡi voi.

Chủ trương chuyển đổi từ du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi của tỉnh Đắk Lắk được đánh giá là cần thiết và hợp lý. Song cũng đòi hỏi tỉnh có một chiến lược cụ thể để vừa bảo tồn đàn voi vừa giữ được điểm nhấn của voi trong du lịch.

Mặt khác, voi nhà ở Đắk Lắk chủ yếu là của người dân, có trường hợp nhiều hộ dân tộc thiểu số là chủ của một con voi nhà, kinh tế gia đình phụ thuộc lớn vào con voi. Do đó, chuyển đổi từ du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi cần xem xét hỗ trợ sinh kế cho chủ voi.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng đề án Phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chủ trương chuyển từ du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Đây là lộ trình cần được xây dựng, nghiên cứu, thực hiện bài bản để vừa bảo tồn voi, vừa bảo vệ du khách, vừa phát huy thế mạnh của voi trong chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.

Tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Phương án mô hình “Du lịch thân thiện với voi”, chú trọng chính sách hỗ trợ cho người dân có voi. Ngoài ra, tỉnh đã giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu dự án bảo tồn nguồn gen để bảo tồn đàn voi nhà.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng tham mưu với tỉnh thực hiện mô hình tiêu bản voi, tức là khi con voi già chết hoặc bệnh tật không chữa khỏi thì tiêu bản, trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk để giới thiệu về đa dạng sinh học và đặc thù của địa phương.

Voi là động vật quý hiếm, đồng thời cũng được coi là biểu tượng đặc trưng khi nhắc tới Đắk Lắk. Do đó, việc sử dụng voi trong du lịch đòi hỏi phải bảo tồn được đàn voi, khai thác hiệu quả và giữ được điểm nhấn của voi, bảo đảm an toàn của du khách.

Hahalolo Tổng hợp