Đưa Ca Huế thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc

Nhằm bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị đặc trưng của ca Huế, đề án “Phát huy giá trị và xây dựng ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa đặc sắc, giai đoạn 2020 đến 2025” đặt ra nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hướng tới xác lập thương hiệu của ca Huế.

Biểu diễn ca Huế thính phòng
Biểu diễn ca Huế thính phòng

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, bên cạnh bảo tồn, cần xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với các loại hình du lịch di sản văn hóa. Đặc biệt, Ca Huế trên sông Hương là sản phẩm văn hóa không thể thiếu để phục vụ du khách khi đến Huế, là hoạt động văn hóa du lịch sôi nổi về đêm của Huế.

Tuy nhiên, để trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc sắc của Huế, đáp ứng thị hiếu của người thưởng thức cũng như thị trường du lịch thì nghệ thuật Ca Huế và Ca Huế trên sông Hương đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức từ hình thức tổ chức, chất lượng nghệ thuật, phong cách biểu diễn, công tác quản lý dịch vụ, đảm bảo an toàn trên sông, quảng bá sản phẩm…

Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 450 diễn viên, nhạc công tham gia biểu diễn Ca Huế. Đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân ngày càng tăng với 4 nghệ sĩ nhân dân, 4 nghệ nhân nhân dân, 35 nghệ sĩ ưu tú, 15 nghệ nhân ưu tú; phần lớn trong số đó có hoạt động liên quan đến nghệ thuật Ca Huế.

Việc cạnh tranh không lành mạnh vẫn âm ỉ diễn ra lâu nay. Vì chạy theo số lượng, giảm chi phí tổ chức nên một số chương trình bị cắt giảm thời lượng, số lượng diễn viên, nhạc công không đủ theo quy định, thay đổi tiết mục, thay thế nghệ sĩ chưa được thẩm định, lực lượng nghệ sĩ trẻ tham gia biểu diễn chưa được đào tạo bài bản, không gian biểu diễn ca Huế chưa văn minh, lịch sự… dẫn đến chất lượng nghệ thuật không cao, làm giảm giá trị sản phẩm du lịch.

Ngoài Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đang tuyển sinh và đào tạo các chuyên ngành Ca Huế, nhạc công truyền thống Huế thì Học viện Âm nhạc Huế (thuộc Bộ VHTTDL) cũng có bộ môn Đàn và hát Ca Huế, thuộc khoa Âm nhạc di sản. Đây là hai cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, bài bản và đóng góp nhiều thế hệ nghệ sĩ Ca Huế tài danh.

Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, công tác bảo tồn, phát huy giá trị ca Huế đang đứng trước nhiều khó khăn. Phần đông nghệ nhân, nghệ sĩ nòng cốt hiện đã lớn tuổi, việc truyền dạy cho lớp trẻ chưa đầy đủ, hình thức tổ chức chưa phù hợp. Hoạt động ca Huế trên sông Hương liên quan đến sự quản lý của nhiều ngành; trong khi đó, quy định của pháp luật vẫn còn mang tính phổ quát, chưa có quy định điều chỉnh cụ thể đối với các loại hình nghệ thuật là di sản mang tính đặc thù, do đó việc áp dụng các quy định và phối hợp trong công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn.

Không gian ca Huế thính phòng chỉ có một số địa chỉ, như: 23-25 Lê Lợi, các nhà vườn, cơ sở dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn… Những không gian này chưa đáp ứng điều kiện, cơ sở vật chất để biểu diễn phục vụ khách du lịch. Hiện nay, vẫn chưa có không gian, thiết chế độc lập được thiết kế xây dựng phù hợp với loại hình nghệ thuật truyền thống chuyên tổ chức biểu diễn ca Huế thính phòng.

Biểu diễn ca Huế thính phòng
Biểu diễn ca Huế thính phòng

Theo nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm CLB Ca Huế, ca Huế vẫn chưa được quan tâm và đầu tư đúng với giá trị vốn có, chưa có các giải pháp hữu hiệu và đồng bộ để nâng cao giá trị, phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Điều này đặt ra yêu cầu cần tăng cường quản lý, có giải pháp để ca Huế phát triển bền vững, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, giàu bản sắc phục vụ du khách.

Từ thực trạng và yêu cầu của hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca Huế, Sở Văn hóa và Thể thao đang hoàn thiện đề án “Phát huy giá trị và xây dựng ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa đặc sắc, giai đoạn 2020 đến 2025”.

Đề án hướng đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu nghệ thuật ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với việc tăng cường các giải pháp quản lý, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị; tạo cơ sở, tiền đề để đưa ca Huế trở thành kiệt tác văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đồng thời, đề án cũng đề cập về nguồn lực phát triển du lịch Ca Huế và các giải pháp thực hiện như giải pháp về nguồn lực, tuyên truyền quảng bá, liên kết phát triển, cơ chế chính sách phát triển đề án, kèm theo đó là các giải pháp về hạ tầng cùng các điều kiện để phát triển đề án.

Chương trình ca Huế thính phòng cũng được xây dựng đảm bảo phục vụ công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị gốc của di sản, trong đó có các làn điệu, bài bản cổ có nguy cơ mai một, thất truyền. Việc thiết kế quà lưu niệm, chế tác nhạc cụ, tranh, ảnh kết hợp với không gian trưng bày, giới thiệu các trang phục, nhạc cụ biểu diễn ca Huế cũng được tính đến. Với không gian ca Huế thính phòng, sẽ hình thành không gian ca Huế thính phòng tại 148 Bùi Thị Xuân, TP. Huế và một số địa chỉ: Châu Hương Viên, các phủ đệ, nhà vườn… Hình thành một số điểm, sân khấu biểu diễn nghệ thuật ca Huế ngoài trời phục vụ cộng đồng, phục vụ khách du lịch: Cầu đi bộ trên sông Hương, Nghênh Lương Đình, công viên Thương Bạc, bia Quốc học, công viên Bùi Thị Xuân…

Quy chế quản lý và tổ chức hoạt động ca Huế cũng được điều chỉnh, hoàn thiện; xây dựng các bộ quy tắc ứng xử của hoạt động biểu diễn ca Huế, bộ quy chuẩn về phương tiện, điều kiện địa điểm, không gian tổ chức biểu diễn. Đồng thời, thành lập Hiệp hội Ca Huế để phát huy vai trò tự quản của các doanh nghiệp tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Hahalolo Tổng hợp