Trong nhịp sống hối hả với bộn bề những lo toan của thời nay, người ta luôn tìm về với những nét đẹp xưa cũ, một vẻ đẹp yên bình và sâu lắng khiến con người ta đến rồi chẳng nỡ rời xa. Hãy cùng Hahalolo khám phá những khu phố cổ vượt thời gian để hiểu hơn về nét đẹp cổ kính mang đậm nét truyền thống Việt nhé!
Phố cổ Hội An
Khu phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng chừng 30km về phía Nam.
“Anh muốn kể Lai Viễn Kiều Hội phố
Đón đợi người sang nghiêng bóng sông chiều
Mái gỗ cầu cong sơn son chạm trổ
Mấy trăm năm rồi ngói vẫn ấm màu rêu”
Đây là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam và hiếm có trên thế giới. Mặc cho không gian và thời gian cứ chuyển dời, cùng với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đô thị cổ Hội An vẫn giữ nguyên được những nét đẹp cổ xưa nhất. Hội An giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc với nét đẹp xưa cổ trầm mặc rêu phong trong từng mái ngói, viên gạch, hàng cây, phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ,… trở thành một địa danh độc nhất vô nhị trong biên niên sử thời hiện đại.
Hội An nổi tiếng bởi vẻ đẹp kiến trúc truyền thống hài hòa của phần lớn những ngôi nhà có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 phân bố dọc theo những khu phố nhỏ hẹp, bức tường vàng và cả những con đường. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị. Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn giao thoa văn hóa. Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp.
Tiết trời ở Hội An có 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 và mùa khô từ tháng 1 đến tháng 7, thỉnh thoảng có những đợt rét mùa đông nhưng không đậm và không kéo dài. Vì thế, du lịch Hội An lý tưởng nhất là từ tháng 1 đến tháng 7.Khoảng thời gian này, Hội An không còn mưa dầm dề, cũng không quá nóng bức. Nắng ráo, hanh hao và trong lành. Quả thực là thời tiết thuận lợi cho những ai muốn ghé thăm phố cổ vì lúc này cả phố cổ như được khoát lên một chiếc áo mới tràn đầy sức sống.
Tới Hội An ngày nay, ta cứ ngỡ như là mình đang quay ngược dòng thời gian, lạc bước trong không khí truyền thống của một thương cảng sầm uất thời nhà Nguyễn. Đến đây để rời xa mọi cám dỗ của đời thường, để sống trọn vẹn trong từng giây phút. Bước đi trên từng con phố nhỏ, bạn như tìm thấy chính mình trong những ngày xưa cũ, những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ trên mảnh đất xa lạ và đầy thân thương này.
Phố cổ Đồng Văn
Nhắc đến phố cổ thì ở miền biên cực Bắc – Hà Giang cũng có một phố cổ là phố cổ Đồng Văn. Phố cổ Đồng Văn thuộc thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Những ai đã từng ghé qua Hà Giang chắc chắn không khỏi ngỡ ngàng phố cổ Đồng Văn với hơn 100 năm tuổi nhưng vẫn còn nguyên nét kiến trúc cổ kính xưa. Được bao phủ bởi bốn bề vách núi đá bao bọc chở che với nét kiến trúc độc đáo đã trải qua hơn một thế kỉ; là nơi có lịch sử phát triển về kiến trúc, văn hóa hàng trăm năm với những nét đẹp xưa đơn sơ, trầm lặng và yên tĩnh.
Phố cổ Đồng Văn chính là nơi lưu giữ những truyền thống ca xưa cho vùng cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang.. Nhìn về tổng thể, khu Phố cổ Đồng Văn là sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống của cư dân bản địa với kiến trúc của của cư dân vùng Hoa Nam (Trung Quốc). Các ngôi nhà cổ với kiến trúc trình tường, mái lợp ngói máng địa phương. Cả khu phố là bức tranh sắc màu với hai gam màu vàng và xám xen kẽ. Màu vàng của nắng, màu xám tro của những kiến trúc cổ pha trộn, hòa quyện đến hài hòa!
Phố cổ này đã có từ rất lâu đời, từ khoảng đầu thế kỷ XX. Với những hộ dân ban đầu là người các dân tộc thiểu số : Mông, Tày, Hoa. Sau đó rất đông người dân ở những nơi khác tới nơi đây sinh sống. Chính điều này đã tạo nên một nền văn hóa đa dạng và đậm đà bản sắc cho Phố cổ Đồng Văn Hà Giang.
Những buổi chiều tà mùa thu chính là lúc con phố cổ khoác lên mình một bức tranh cổ kính khiến du khách nao lòng. Đến phố cổ Đồng Văn, bạn còn được thưởng thức những món ăn như: Cá sông nướng, lợn quay lá móc mật…
Lên cao nguyên đá Đồng Văn, ngoài thả hồn theo những sườn đồi bát ngát nương ngô của người Mông, ngắm hàng trăm vách núi tai bèo giữa đất trời Lũng Cú; đứng trên đỉnh núi Ma Lé nhìn xuống dòng Nho Quế và đừng bỏ qua hành trình “đắm mình” giữa phố cổ Đồng Văn nhé. Bởi đây không chỉ là điểm du lịch độc đáo nơi miền biên viễn, mà còn là cái nôi văn hóa đặc biệt cổ xưa nhất của người Mông ở địa đầu Tổ quốc.
Có thể nói, trong nhiều địa danh du lịch mang đậm bản sắc văn hóa cổ xưa thì phố cổ và chợ Đồng Văn vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống, chưa bị thương mại hóa. Vì thế, dù mùa đông hay mùa hè, dù thời tiết khắc nghiệt hay thuận lợi yên bình, phố cổ Đồng Văn vẫn luôn thu hút khách thập phương đến đây nghỉ dưỡng và ngắm cảnh.
Phố cổ Hà Nội
Phố cổ Hà Nội được thành lập vào khoảng thế kỷ 15 nằm giữa khu Kinh thành và bờ sông Hồng lúc bấy giờ.
Phố cổ Hà Nội ngày nay nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, phía Bắc là phố Hàng Đậu, phía Nam là phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng, phía Đông là đường Trần Nhật Duật, phía Tây là phố Phùng Hưng.và mỗi con phố ở đây lưu giữ những câu chuyện lịch sử đáng quý. Đây có lẽ là khu phố cổ rộng lớn và đông dân nhất Việt Nam.
“Rủ nhau chơi khắp Long Thành, ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai”
“Hà Nội 36 phố phường” người ta vẫn thường dùng cái tên ấy như một cách gọi thân thuộc khác khi nói về phố cổ Hà Nội. Trải qua những thăng trầm của lịch sử cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, khu phố ấy vẫn đi cùng năm tháng, trường tồn cho đến tận bây giờ, bảo tồn và gìn giữ để trở thành phố cổ Hà Nội trong lòng bao người con đất Việt.
Hà Nội 36 phố phường, cái tên đã đi vào tiềm thức của nhiều người với những nét giản dị mộc mạc nhất từ những cái tên như Hàng Mắm, Hàng Nón, Hàng Đường, Hàng Muối… đại diện cho mặt hàng chủ yếu được cái tiểu thương nơi đây trao đổi buôn bán.
Phố cổ mang trong mình một nét rất riêng về đô thị, nơi phồn hoa đông đúc, lúc nào cũng tấp nập người nhưng lại vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống từ ngàn đời xưa của đất kinh kì. Mỗi con phố đều tập trung những người thợ từ các làng nghề có tiếng quanh kinh thành Thăng Long xưa, biến mỗi con phố nơi đây thành một làng nghề thu nhỏ giữa lòng Hà Nội.
Một đặc trưng nữa của khu phố cổ Hà Nội là kiến trúc nhà cổ được xây dựng vào thế kỷ 18 – 19 với nhà dạng ống, mái ngói nghiêng, mặt tiền là cửa hàng buôn bán. Những ngôi nhà thoạt nhìn thì lụp xụp nhỏ bé nhưng lại được con người sắp xếp vô cùng khéo léo mà hợp lý, vẫn phục vụ đầy đủ được nhu cầu đời sống của người dân nơi đây.
Do sự phát triển của du lịch mà một số ngôi nhà trong phố cổ được cải tạo thành những khách sạn mini, các quán ăn đặc sản, các cửa hàng bán đồ lưu niệm… được trang trí một cách hấp dẫn nhưng không làm mất đi nét đặc trưng riêng của những ngôi nhà cổ.
Về với phố cổ là về với truyền thống của một nghìn năm văn hiến, với những giá trị văn hóa còn được lưu giữ trong khoảng 100 công trình kiến trúc lâu đời gồm đình, đền, chùa, hội quán, mà điển hình hơn cả là ngôi đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm, một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa.
Bên cạnh những địa điểm tham quan hấp dẫn, Phố Cổ Hà Nội còn được mệnh danh là thiên đường ăn uống.Bạn có thể ghé qua các ngõ ăn vặt như: ngõ chợ Đồng Xuân, bún chả Hàng Buồm, Trà chanh chợ Gạo, ô mai Hồng Lam, phố bia Tạ Hiện, bánh mỳ Hàng Cá, Ốc luộc Đinh Liệt, lòng xào Nguyễn Siêu,…
Phố cổ Hà Nội cũng có phần khác xưa nhưng dư vị của một thành phố cổ thời ấy vẫn còn đó. Chỉ mong rằng, Phố cổ vẫn mãi là phố cổ. Năm tháng qua đi vội vã với những cuồng quay hối hả của thời gian, sự vần xoay của tạo hóa cũng không làm mất đi cái hồn cốt của phố cổ ngày nào!
Xem thêm nhiều bài review và chia sẻ kinh nghiệm du lịch trên Hahalolo – Mạng xã hội du lịch của Việt Nam TẠI ĐÂY. |
Hahalolo Tổng hợp