Đã 60 giờ qua Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Các ổ dịch Đà Nẵng, Hải Dương cơ bản được kiểm soát.
Sáng 1/9 không có ca mắc COVID-19 mới
6h ngày 1/9, Bộ Y tế cho biết không có ca mắc mới được ghi nhận, tổng số người nhiễm virus Corona tại nước ta là 1.044.
Như vậy, đã bước vào ngày thứ 3, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Các ổ dịch Đà Nẵng và Hải Dương cũng được kiểm soát cơ bản.
Tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam có tổng cộng 690 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 550 ca.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, nước ta đã chữa khỏi cho 707 bệnh nhân COVID-19/ 1.044 ca mắc.
Đà Nẵng xét nghiệm COVID-19 cho 11000 thí sinh thi THPT Quốc gia
Sáng 31-8, hàng ngàn thí sinh Đà Nẵng đã tới các điểm thi làm thủ tục khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đặc biệt.
Việc lấy mẫu xét nghiệm cho thí sinh được thực hiện theo cách lấy mẫu gộp 5 thí sinh/ống xét nghiệm để đảm bảo tăng tốc xét nghiệm, nhanh trả kết quả. Sau khi xét nghiệm hết toàn bộ thí sinh, việc lấy mẫu xét nghiệm cho cán bộ, nhân viên coi thi sẽ được thực hiện ngày 1-9.
Được biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP Đà Nẵng có khoảng 11.000 thí sinh tham gia, diễn ra từ ngày 3 đến 4-9. Kỳ thi năm nay TP Đà Nẵng đã ban hành một quy trình nghiêm ngặt kiểm soát từng bước thực hiện kỳ thi, đảm bảo giãn cách xã hội và an toàn cho thí sinh.
WHO cảnh báo nguy cơ tiếp diễn thảm họa COVID-19
WHO cho biết các quốc gia có dịch COVID-19 lây lan cần ngăn chặn tổ chức các sự kiện đông người, vì việc mở cửa không kiểm soát sẽ dẫn đến thảm họa.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết nhiều người đang cảm thấy mệt mỏi với những hạn chế và muốn trở lại bình thường sau 8 tháng kể từ khi xảy ra đại dịch.
Ông Tedros khẳng định rằng WHO hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực nhằm mở cửa lại các nền kinh tế và xã hội. “Chúng tôi muốn thấy trẻ em trở lại trường học và mọi người quay lại nơi làm việc, nhưng chúng tôi muốn thấy điều đó được thực hiện một cách an toàn”.
“Không quốc gia nào có thể giả vờ rằng đại dịch đã kết thúc. Thực tế là loại virus này dễ dàng lây lan. Mở cửa không kiểm soát là cách đi đến thảm họa”, Tổng Giám đốc WHO nói.
Tính đến 1/9, tổng số ca COVID-19 trên toàn cầu là 25.620.939, trong đó 854.222 người chết và 17.921.063 người phục hồi.
Huế dỡ bỏ kiểm soát COVID-19 với nhiều tỉnh thành
Chiều 31-8, tin từ Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết vừa ra công văn hỏa tốc dỡ bỏ hạn chế khu vực kiểm soát người và xe từ vùng có dịch.
Theo đó, trên cơ sở cuộc họp ngày 31-8 và ý kiến của các chuyên gia y tế, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định tất cả các trường hợp người đến Huế từ vùng dịch đều khai báo y tế theo quy định.
Từ 0h ngày 1-9, Thừa Thiên Huế dỡ bỏ kiểm soát dịch COVID-19 với người và xe từ Đắk Lắk, Quảng Ngãi vào tỉnh này. Tương tự với Quảng Trị là 0h ngày 4-9 nếu tỉnh này không phát sinh ca nhiễm mới.
SARS-CoV-2 tồn tại lâu hơn vào mùa thu
Theo một nghiên cứu mới của Mỹ, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại lâu hơn trên các bề mặt ngoài trời vào mùa thu.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thấp, virus có thể tồn tại trên áo khoác của một người leo núi khi ở ngoài trời trong khoảng 1 tuần và vẫn có thể lây nhiễm trong thời gian đó, trong khi vào mùa hè, quãng thời gian virus có thể tồn tại ước tính chỉ từ 1 – 3 ngày.
Mùa thu cũng là thời điểm các ca mắc những dịch bệnh khác, chẳng hạn như cúm gia tăng. Điều này khiến bệnh nhân có thể mắc nhiều bệnh khác nhau và làm các triệu chứng của họ trở nên nặng hơn.
Richt và các đồng nghiệp của ông đã hối thúc mọi người cần duy trì tốt việc vệ sinh cá nhân và phun khử khuẩn thường xuyên các bề mặt có nguy cơ bị dính virus để ngăn ngừa dịch bệnh./.
Đà Nẵng sẽ nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 5/9
Ngày 1/9, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cho biết đang dự thảo văn bản về nới lỏng giãn cách xã hội và dự thảo quy định mới đang được lấy ý kiến các sở ngành, địa phương.
Theo đó, đã 2 ngày qua trên địa bàn thành phố không có ca mắc mới COVID-19, tình hình dịch đang dần được kiểm soát. Trong những ngày tới, Đà Nẵng sẽ tổ chức xét nghiệm cho đại diện của gần 60.000 hộ gia đình trên địa bàn thành phố.
Nếu sau xét nghiệm không có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng thì dự kiến từ ngày 5/9, toàn thành phố sẽ chuyển đổi trạng thái, nới lỏng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 để thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng.
Tuy vậy, việc chuyển đổi trạng thái diễn ra theo từng bước, nới lỏng quy mô, mức độ các hoạt động xã hội.
BN 416 đã khỏi COVID-19 nhưng vẫn còn nguy kịch
Bệnh nhân 416, người đầu tiên được phát hiện mắc COVID-19 đợt 2 tại Đà Nẵng hiện đã 4 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 và được công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, tiên lượng về sức khoẻ bệnh nhân nguy kịch, khó qua khỏi.
Theo tiên lượng của bệnh viện Phổi Đà Nẵng, đo tình trạng tổn thương phổi đông đặc, xơ hóa lan tỏa, chức năng hô hấp của phổi giảm nặng, bệnh nhân cần được hỗ trợ ECMO và thở máy thời gian kéo dài nên tăng nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng từ hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể. Tình trạng suy kiệt, yếu cơ toàn thân cần phối hợp dinh dưỡng, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng kết hợp. Bệnh nhân tiên lượng còn rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Bệnh nhân 416 là bệnh nhân đầu tiên được công bố mắc COVID-19 đợt 2 tại Đà Nẵng ngày 25/7. Bệnh nhân nhập viện bệnh viện C Đà Nẵng (Bộ Y tế ) ngày 23/7 trong tình trạng khó thở và có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ngay sau đó. Bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tăng huyết áp vô căn.
Phát hiện biến chủng SARS-CoV-2 mới lây nhanh gấp 10 lần
Indonesia đã phát hiện biến chủng mạnh hơn của virus SARS-CoV-2, có khả năng lây lan gấp 10 lần và đã xuất hiện tại Indonesia từ tháng 4, trước khi xuất hiện ở Malaysia.
Theo chuyên gia phân tử sinh học từ Đại học Airlanggar, biến chủng này đã được tìm thấy một tháng sau khi Indonesia có ca mắc COVID-19 đầu tiên (vào đầu tháng 3/2020), trước khi chủng này được phát hiện tại Malaysia tháng 8 vừa qua.
Vào thời điểm đó, các chuyên gia đã cảnh báo các nhà nghiên cứu về sự đột biến của virus SARS-CoV-2 thành chủng D614G làm tốc độ virus lây lan nhanh hơn gấp 10 lần. Họ cũng nghi ngờ đây có thể nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tại Indonesia tăng vọt trong thời gian ngắn hay không.
Chủng D614G được Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận lưu hành hồi tháng 2, tại ở châu Âu và Mỹ. Cách đây vài tuần, một số nước trong khu vực như Singapore và Malaysia cũng phát hiện bệnh nhân nhiễm chủng D614G.
Chiều 1-9 không có ca COVID-19 mới
18h chiều 1/9, Bộ Y tế công bố không có thêm trường hợp nào mắc COVID-19, tổng số người nhiễm virus corona tại nước ta hiện là 1.044.
Cụ thể, tính đến 18h ngày 01/9, Việt Nam có tổng cộng 690 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 550 ca. Như vậy, đến thời điểm này, tròn 3 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồngCụ thể, tính đến 18h ngày 01/9, Việt Nam có tổng cộng 690 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 550 ca. Như vậy, đến thời điểm này, tròn 3 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng.
Nguồn: Tổng hợp